Đêm đó đi thăm một người bạn ở chung cư nọ, lúc về thì thang máy có 2 cô đứng sẵn bên trong. Xuống vài tầng thì một cô nữa bước vào, đội hình bây giờ là mình và 3 cô sồn sồn, cỡ năm mươi mấy. Trong 10 tầng còn lại trước khi hạ xuống mặt đất, vị chi là 45 giây, đã có một cuộc hội thoại.
Cô 1 hỏi hai cô kia: Mấy chị ơi, đường ống máy lạnh ở lô mình có vấn đề hả?
Cô 2 và cô 3: Đâu có đâu, nhà chị bị hư hả?
Cô 1: Đúng rồi, xuống nói chuyện với ban quản lý nè, hôm trước cho người lên sửa rồi mà vẫn y vậy!
Cô 2, cô 3: Dạ.
… lặng 3 giây…
Cô 1: Tại thằng rể nhà em mới mua tặng cái máy lạnh mới, bốn mươi mấy triệu lận, tốt lắm…
Cô 2 (chen ngang): Vậy chị xuống hỏi đi, tại nhà em có con em vừa từ nước ngoài về, ở bển lâu rồi nó chịu nóng không quen. Hôm bữa giờ không nghe nó than phiền máy lạnh gì hết…
Cô 3 (ngang chen): Đúng rồi, nhà em lắp 4 cái máy lạnh, mỗi phòng 1 cái vậy đó, mà vẫn chạy phà phà mà…
Ước gì thang máy này 333 tầng để đoạn thoại của Hội Ghiền Máy Lạnh được phát triển tiếp. Mình đứng ở sát hàng nút bấm nên mắt thấy thang xuống từng nấc, tai nghe từng cô “trèo” lên nhau.
Nếu đơn thuần chữ lọt vào tai, đoạn thoại trên khá vô thưởng vô phạt. Các cô có vẻ lo lắng và quan tâm lẫn nhau. Nếu chú ý một chút, 3 câu cuối, mỗi câu đều chứa một ẩn ý. Phạm vi bài sẽ chỉ bàn về những ẩn ý trong giao tiếp thường thức, chưa vội đi vào truyền thông nha.
Chắc chữ “ẩn ý” nó tinh ma quá nên bà con đẻ ra nhiều tên gọi:
- Thâm ý. Hàm ý. Ý ngầm. Ý tại ngôn ngoại.
- Nghĩa bóng. Nói bóng nói gió. Nói mát nói mẻ. Nói xa xôi.
- Underlying message. Subtle.
Vì sao không nói thẳng?
Đơn giản lắm, loài người khoái kể chuyện và được kể chuyện. Một thông điệp có ý ngầm sẽ kích thích trí tưởng tượng.
Và có những lúc nói thẳng ra hơi khó, dễ vấp phải hàng rào kháng cự.
Cách đây mấy năm mình được dịp đi Hàn Quốc với công ty. Cả đoàn chia làm 4 xe, xe mình có một chị hướng dẫn viên khá năng nổ, ăn nói bùm chíu, nói chung là giải trí. Lúc xe từ sân bay đến khách sạn, chị dặn dò một số điều quan trọng cho đêm đầu tiên. Ý cuối cùng:
Mình biết các bạn rất thích đi chơi khuya sau 12 giờ đêm. Không sao cả nha, Hàn Quốc rất an toàn, không như Việt Nam đâu.
Mọi người thích thú, toan ôm ba lô xuống xe thì chị nói tiếp:
Chỉ là tuần trước có mấy người khách Việt bị mất tích lúc đi khuya, đến nay chưa tìm được thôi.
Chị nói xong chị ôm giỏ đồ xuống xe. Mọi người lích kích đi theo chị, nét hào hứng có vơi đi một phần, nhưng cũng tí chút thôi. Anh Account ngồi kế mình hoang mang “Em… có thấy chị hướng dẫn viên này… mâu thuẫn nhất thế giới không em?”.
Mình cũng không để ý tới lời dặn đó nữa. Năm ngày Hàn Quốc trôi cái vèo. Sau khi về nước vài ngày, một hôm cả đám ngồi thống kê lại thì phát hiện một chuyện. Anh em ở 3 chiếc xe kia đêm nào cũng đi khuya, ngủ có mấy tiếng. Duy chỉ xe của chúng tôi là KHÔNG MỘT AI đi quá 12 giờ đêm! Chị lợi hại hay chúng tôi hèn? Nhưng mình biết chị ghim vào cả bọn một ẩn ý quá sống động. Chị bảo toàn lực lượng trên xe của mình một cách êm thắm, chỉ bằng một câu, và mình có niềm tin rằng đó không phải là nghiệp vụ chị được công ty đào tạo!
Hoặc những tình huống “mỏng” hơn được xử lý khéo. Một em PT chia sẻ với mình:
Chỗ nào trên người mà thừa cân thì em sẽ nói là chỗ này còn “mềm” nè, chứ nói “mập” thì khách của em buồn, nản đó anh!
Đi gần vào công việc của creative writer thì còn quan trọng ác.
Tập chơi với những dòng suy nghĩ vô hình. Ý tưởng là trừu tượng, nhiều lúc cái ý nên được biểu đạt “ẩn” đi một chút thì câu đọc vô mới thấy hay. Chính cái chiều sâu (substance) sẽ giúp ý tưởng của bạn phóng khoáng, “mở mang” hơn để dễ bề đi xuống các kênh triển khai về sau.
Tập chơi với gia tài ông bà để lại – các biện pháp tu từ. Đó là những cách giúp câu văn giàu sức biểu đạt, hơn chỉ là những thông tin trên mặt chữ.
Là bước đệm để sáng tạo tinh tế. Để xử lý các đề bài cần một chút tinh ý của người Creative, gieo vần thôi là không đủ. Một bài content đòi hỏi chữ nghĩa phải nương theo cái hình một cách khéo léo. Một câu thoại then chốt giúp bật lên cá tính của nhân vật đại diện nhãn hàng. Một câu chốt hạ cuối phim, để người xem “sướng”, dằn vặt bản thân. Sáng tạo cho những sản phẩm nhạy cảm như Bịch Cơm Sườn và thuốc tránh thai. Hoặc thử thách nhất là bạn gặp một khách hàng thực sự có tâm hồn, muốn làm một cái gì đó không xôi thịt.
Ẩn ý không phải là:
- Viết quá nội tâm, không quan tâm đến cảm nhận của độc giả. Bạn “ẩn” quá người ta không hiểu chứ không phải bạn sâu sắc.
- Viết quá rối, không hiểu được ý chính chứ đừng nói ý chìm.
- Viết giấu thông tin, để người ta vừa đọc vừa gãi đầu bứt tai. Bạn cứ xem mấy video “Giải mã ngôn ngữ của con gái” là hiểu. Không được “đào tạo” là không thằng nào có sẵn những sợi nơ ron thần kinh để hiểu “ăn gì cũng được” là ăn cái gì.
Trước mắt, bạn cứ thử đọc mọi thứ xung quanh mình, chậm lại và thực sự suy nghĩ. Người ta nói gì sau lời nói. Người ta viết gì đằng sau bề mặt chữ. Người ta kết bài về ẩn ý một cách huỵch toẹt vậy là có ẩn ý gì.

Leave a Reply