Trong group chat vừa mới lập, chưa ai quen thân ai, một chị than thở:
Dịch căng quá, sáng nay mình và mấy gv khác vừa bước vô ks là bị mời ra ngay, không dạy được.
Group im phăng phắc, dù trước đó đang hào hứng cực.
Mình nhắn cho bạn trưởng nhóm gv là giáo viên phải ko? Đâu phải Gò Vấp, không nghĩ ra từ nào khác. Ks là khách sạn? Cắn răng nãy giờ vẫn không nghĩ ra cụm gì phù hợp hơn. Bạn trưởng nhóm cũng… hoang mang y chang, và có mấy bạn khác cũng đang nhắn riêng vì thắc mắc như mình!
May sao, luôn có một người can đảm trong bầy cừu rón rén, ai đó đã hỏi:
– Chị ơi, gv là giáo viên hả chị?
– Ừ, tụi chị là giáo viên
Ây da, nồng độ hoang mang vẫn không hề giảm đi mà thậm chí ngược lại. Bạn trưởng nhóm cũng hỏi mình là ủa vậy là làm xaooo, giáo viên kéo vô “ks” làm gì anh ơi??? Anh trai dạn dĩ khi nãy, công nhận anh dạn thiệt, trong khi không ai dám đụng vô vấn đề nhạy cảm giáo-viên-vô-ks thì anh vẫn hồn nhiên:
– Ks là khách sạn hả chị?
– Đúng rồi em
Chị trả lời tỉnh rụi. Như thể mệnh đề đó đã được cả nhân loại chứng minh. Như thầy trò yêu nhau là chuyện bình thường. Group chat lại phăng phắc mà im, anh trai kia chắc cũng hết vốn can đảm rồi nên án binh bất động. Có vài user is typing… nhưng không dòng tin nào thò ra. Mình đành phải tạo áp lực cho chàng trưởng nhóm, em ơi em à, em hỏi cho rõ đi, chứ con dân đang lầm than quá! Tận 5 phút sau (ở vũ trụ group chat là tương đương 1 tiếng ngoài đời thực), anh trưởng group buộc phải “hạ đao”:
– Chị ơi, mà sao… các giáo viên lại đến khách sạn chi vậy chị?
– Tụi chị là giáo viên DẠY BƠI
Sau khi cười thiếu điều rớt khỏi võng, mình chợt nhớ đến chữ common sense rất hay nghe trong ngành.
Sao em không có common sense gì hết vậy?
Cái ý này không có make senses!
Mấy feedback này hơi nonsense nhỉ?
Lý do bạn thường bị phê như vậy là vì câu nào bạn viết cũng không hề để tâm đến người đón nhận. Thường là do ít va chạm với những người khác mình, quanh đi quẩn lại cũng có nhúm bạn trong công ty hay hồi đại học. Sự ngây thơ vô độ này khiến người khác thấy bạn như “trên trời” hoặc “người máy”. Người khó tính sẽ chụp ngay bạn là người hời hợt, vì lúc nào bạn cũng cho là thế giới này suy nghĩ y hệt mình.
Trong lãnh địa của sáng tạo, mình thường gợi ý các câu hỏi sau khi cần hệ thống các ý tưởng hoặc tagline.
- Nói cái câu ấy ra thì người ta hiểu gì?
- Có hiểu cái ý đó như mình hiểu không?
- Nếu hiểu thì có CẢM như mình không? Vô duyên hay có duyên?
- Mấy cái thấu hiểu này là mình đi hỏi, tìm tòi hay là tự chế hoặc suy bụng ta ra bụng người (nhiều múi hơn)?
- Người nghe cần thêm thông tin gì nữa để hiểu trọn vẹn?
- Phản ứng đầu tiên của họ sẽ là gì?
- Cái ý ấy có phù hợp với bối cảnh xã hội, văn hoá và tình hình phát triển của Brand không?
Một lần mình nghe idea này, may là nó đã không được trình lên khách hàng. Sản phẩm là máy tập thể dục ở nhà. Đề bài yêu cầu là khuyến khích người ta đi tập sau dịch. Idea được lập luận và trình bày như sau:
Khi ta tập thể dục, cơ thể tự sản sinh Cannabinoids nội sinh, một hợp chất cũng có trong… cần sa! (Nôm na là chất hưng phấn thần kinh). Ý tưởng: The more we exercise, the less we need to spend on Marijuana (but still get high)
Anh thanh niên này chia sẻ với anh trung niên (đang hết sức thẫn thờ khi nghe idea trên) rằng lúc ở nhà thì làm bạn với cỏ cây là một thói quen tao nhã của anh. Khi google được thông tin khoa học trên, anh chắc đó là ý trời rồi, chỉ việc “connect the dots” một phát là ra ngay. Anh thấy idea này vừa có insight vừa là sự kết hợp độc đáo. Và anh thật sự nghĩ là có rất nhiều người trẻ cũng có thói quen ấy như anh! Một thành viên khác trong nhóm đã rất có sense, phá tan bầu không khí căng thẳng bằng việc công ty đã biết phải mua quà gì tặng sinh nhật cho bạn này vào tháng tới. Duyên đến thế là cùng.
Khi luyện được cách nghĩ như mọi người, bạn sẽ dễ “đoán” và hình dung phản ứng của họ hơn, điều này quan trọng ngay cả trong đời sống hàng ngày. Chuyện thiệt xảy ra Tết năm ngoái, nhà hàng xóm mình cho thuê mặt bằng phía trước buôn bán, khách khứa cũng ổn, nhiều mối quen. Tết thì chủ tiệm về quê và để tấm bảng thông báo nghỉ. Vấn đề ở đây là gia đình chủ nhà mỗi ngày phải mệt mỏi đi giải thích với ít nhất 5 người ghé đến hỏi khi nào tiệm mở cửa lại. Tấm biển treo ở ngoài chỉ ghi đúng một câu:
Nghỉ 2 tháng
Có nghe mẹ kể, nhưng mình không ưa nhà bên ấy lắm nên không động thủ. Cái này là neighbor sense, khi nào rảnh sẽ viết riêng.
Cân nhắc đến “vùng hiểu biết” của người nghe là bước cơ bản để tiến hoá thành người có duyên. Việc này khó, ngay cả những người tên Duyên cũng đồng tình với mình. Nếu bạn có tố chất thì khỏi lo, chúc mừng bạn. Còn không thì chỉ cần chậm lại một chút, tự hỏi điều mình sắp nói có là phổ thông với người nghe hay không. Phải từ từ, không có đường tắt.
Trong câu chuyện ở đầu bài, có nhiều hơn một người không có common sense, đó là mấy đứa trong group chat siêu hèn, không dám hỏi thẳng chị kình ngư mà cứ nhắn xấu sau lưng. Có đứa sau đó còn viết blog. Nếu muốn biết rõ mà cứ hỏi lòng vòng hoặc tự suy còn nguy hại bá tánh hơn. Hồi xưa mình hay chê người này người kia sao không có sense gì hết, nghĩ sao mà lại nói vậy vậy vậy… Một chị senior copywriter nhắc nhẹ, nhớ đến giờ:
Với chị, ai cũng có common sense, ăn thua mình có lắng nghe cái lý lẽ ấy của nhau không thôi. Được vậy thì lúc nào cũng hiểu nhau, và cho nhau nhiều sự thấu hiểu, là cái vốn quý của nghề truyền thông.
Khi nghe ai đó nói ý tưởng hoặc giải trình, mình phán người ta không có common sense thì người ấy cũng đang nghĩ y chang vậy về mình. Hãy bình tĩnh, hỏi cho ra lẽ, bàn thảo với nhau một chút là sẽ thấy sen đầy hồ. Nếu mỗi người là một hành tinh thì common sense giống như là quỹ đạo chung. Mình cứ tưởng đi vào quỹ đạo hành tinh của người ta rồi mà hoá ra chỉ là sao băng thôi! Chuyện hiểu chung những lý lẽ thường tình rất hay bị xem nhẹ và dẫn đến nhiều rắc rối khi làm việc là vì vậy. Đó là cái common sense hiếm có trong những guồng máy đang bào nhau khốc liệt.
Nếu bạn còn nhỏ xíu mà đọc bài này, nhận ra mình “dính” nhiều cái quá thì cũng không nên lo lắng làm gì. Bình tĩnh và dùng bộ câu hỏi ở trên để tự vấn, trước hoặc sau những buổi bàn ý tưởng. Tại sao bạn kia có duyên thế, cái ý của bạn ấy đã “để tâm” đến tâm lý gì của người ta? Dần dần bạn sẽ cải thiện. Chính những hiểu biết nhân sinh cơ bản, những điều mà ai cũng biết là điều gì ấy khiến cho câu chữ của copywriter làm lâu năm thường đậm đà hơn, do vốn hiểu đã kha khá.
Ngoài ra, ăn nói giao tiếp “thuận” hơn là tiền đề cho bạn thuần thục những kĩ năng khó, ví dụ như kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng đàm phán sao cho không bị phang…
Common sense quan trọng CMNR luôn.
Bạn hiểu đúng đó, Chứng Minh Nhiều Rồi, bạn có sense ghê.
Leave a Reply