DÀI DÒNG

Tại sao nói cùng một chuyện, người thì vài dòng là người ta hiểu nhưng kẻ thì dài dòng làm người nghe muốn bứt lông mà chết?

Cách đây 2 năm, mình được mời đi training cho tập đoàn Sữa Chăn Thặc ở Hà Nội. Một trong những yêu cầu từ anh sếp:

Anh quá đau khổ vì mấy đứa nhân viên viết cái gì cũng dài lòng thòng, vừa không hay vừa không hiểu tụi nó muốn nói gì. Anh la mãi mà không khắc phục được!

Đó là chuyện viết. Không hiểu sao từ công ty nhỏ đến to, luôn có những con người không có khả năng đi vào vấn đề. Như thể VẤN ĐỀ CHÍNH là tên người yêu cũ.

Mình không thích đóng khung con người vào vài kiểu mẫu, nhưng xin trích hai ví dụ có xíu thiên kiến giới. Lý do là vì mình thấy nó vui.

Dài dòng kiểu nữ

Lê lết lan man.

Chị sếp A tập hợp các em bé content lại để chấn chỉnh về hiệu quả các post gần đây. Gọi là các bé vì mấy bạn đa phần đều mới ra trường, cơ duyên gặp nhau ở phòng content của một công ty nông nghiệp có kha khá sản phẩm đa dạng.

Chị vào thẳng vấn đề “Những lý do sau đây khiến các post của chúng ta đang tương tác không tốt!”. Yeah, đúng rồi chị, quất nó đi chị!

“Lý do đầu tiên là…” Ghi ghi, chép chép, mấy thứ này đời nào ở trường có dạy.

“Lý do thứ hai là…” Nuốt từng lời từng chữ.

Tuy nhiên, ở lý do này chị có nhắc tới Instagram, thế là…

“Các em có biết 5 kênh social hiệu quả nhất hiện nay không?”. À thôi, coi như chị bổ sung kiến thức ngoài lề.

“Cái đầu tiên là FB…”. Dạ.

“Cái thứ 2 là…”. Ủa chị, mình còn ở lề hả…

“Cái cuối cùng là… mà các em có biết KPI nào là quan trọng nhất cho FB không cái đã?”. DĨ NHIÊN LÀ CHƯA CHỊ ƠI.

Và cứ thế, 50 phút trôi qua mà cái lý do Tuesday liên quan đến chất lượng post vẫn chưa tới được những cái đầu ham học. Các bé ức chế muốn lao ra cửa sổ… hóng mát. Khi nghe một lượng lớn thông tin không có kết nối hoặc diễn tiến theo bất cứ trình tự nào thì rất gần với tra tấn. Báo hại khi chị về lại đường xưa thì người nghe đang ngắc ngoải, cạn não.

Các bạn nữ hay bị dài dòng kiểu lan man. Đang ở mạch chính, chỉ cần có một chỉ dấu nào đó kích thích cảm xúc là lại theo đuổi bằng cả trái tim cái ý vừa nảy ra đó. Cửa sổ, cửa chính của tâm hồn mở toang. Và gần như cánh chị em rất ít khi quay đầu lại được (tại mấy anh nam có cho khẩu trang cũng không dám cắt).

Dài dòng kiểu nam

Uyên thâm trời bể.

Anh marketer B hẹn gặp một nhóm creative trẻ để giao đề bài một chiến dịch khuyến mãi. Mua thanh kẹo thì tặng một cái ba lô hình tròn khá đẹp. Chuyện chỉ có vậy, thề.

Sau 15 phút là đã đến slide cuối cùng. Quao, anh này là khách hàng xịn nè, sau này muốn sắc bén như anh. Vừa cất đồ đạc vô chuẩn bị đi thì…

– Các em biết tại sao ba lô này lại hình tròn không?

– Dạ, chắc cho nó lạ?

– Không không. Hình tròn có nhiều ý nghĩa với các bé trai, và người đàn ông lắm em.

– ???

– Em biết hình tròn đầu tiên đến với đời anh em mình là cái gì không? Và chúng ta đã bị dứt ra khỏi nó khi còn nhỏ, từ sớm.

Đến đây chắc các bạn cũng biết anh đang nói tới cái bầu tròn ngọt ngào, nguồn sống đầu tiên của cuộc đời ấy là gì rồi? Sau đó anh một mạch phang thẳng, như con đập vừa khai thông, một loạt những hình ảnh từ ẩn dụ tới hiển dụ về việc người con trai, đàn ông này nọ yêu những đường tròn, mến bong bóng, ghiền bóng đá vì nó hình tròn, mải miết chạy theo những đường cong trong tuổi thanh xuân…

Phái đoàn creative chôn chân tại bàn họp, có bạn vẫn đang khoác ba lô (tưởng sắp được về, thương) suốt 45 phút kế tiếp. Bài luận về đường tròn chỉ kết thúc vì anh ấy còn một cuộc họp khác nữa, không biết là cho hình khối gì.

Các anh nam thường thích thú tìm tòi về chính trị, lịch sử, xã hội, văn hoá, tôn giáo… nên có cách lan man rất khác chị em. Mình gặp khá nhiều ca thích vào sâu như vậy, gọi chơi là “deeper”. Họ thích bộc lộ sự hiểu biết ngay khi có cơ hội và không quan tâm lắm đến người nghe đang thở oxy.

Một lần nữa, việc chia hai xì tai này hoàn toàn là do ác ý của người viết bài, sự thật bạn có thể gặp một giới mà có cả 2 kiểu hay thậm chí còn thể nghiệm đương đại hơn.

Nhiều bài viết cũng đã nói về bi kịch này nhưng đa phần là những lời khuyên nghe vừa thấy hay vừa thấy không biết cụ thể là làm thế nào khi đụng trận.

  • Tập trung vào ý chính, cái cốt lõi.
  • Cái gì râu ria thì khỏi nói, hoặc nói sau.
  • Mỗi cuộc họp chỉ nên nói một điểm quan trọng.

Mình thử tiếp cận theo hướng khác. Khi phải giao tiếp với người dài dòng, ta hay chê kiểu “Thôi thôi anh qua nói chuyện với ổng đi, lần nào cũng ngồi cả tiếng mà không hiểu ổng nói gì hết!”. Có bao giờ bạn tự hỏi những lúc người ta nói dài dòng, người ta đang nghĩ gì không? Nếu người ta biết người ta đang lê thê thì đâu có hành bạn làm gì. Người ta không biết.

Không ai nhận ra mình đang nói hoặc viết dài dòng, người ta thấy mình đang KĨ LƯỠNG và cung cấp cho người nghe những CHI TIẾT ĐÁNG GIÁ.

Thông cảm với điều này rồi thì dễ xử lý hơn. Ít ra bản thân mình đã nhẹ phần bức xúc, có thể ứng dụng những lời khuyên mình có trích ngay ở trên. Những nhắc nhở ấy không có gì sai, chẳng qua ta chưa hiểu đúng “khát khao” hoặc nỗi sợ của người nói. Họ không “rảnh” như mình tưởng, họ “có tâm” theo kiểu của họ. Và “họ” ở đây cũng có thể là chính bạn một ngày nào đó. Không nhiều người bẩm sinh có khả năng truyền đạt cô đọng. Dần dần bạn sẽ nhạy cảm hơn và nắm được cái gì là chính, cái nào là phụ.

Một câu “thần chú” rất hiệu nghiệm mà mình hay dùng khi họp, nhất là liên phòng ban. Mỗi người một chuyên môn nên thường nói một hồi là loạn lên hết, họp mệt mỏi xong cũng chẳng biết nên làm gì tiếp.

Mục tiêu của cái này là gì?

“Cái này” = cuộc họp này, vấn đề này, ý tưởng này, quyết định này…

Tung ra một phát là kéo bà con về lại thực tại, khựng lại một chút suy nghĩ và gom gom vào một chỗ. Thường lúc căng thẳng các dây thần kinh bó lại rối nùi, chưa đứt cọng nào là hên rồi nên ta hay quên hỏi cái câu mấu chốt này. Mình có thể nói thẳng ra câu này hoặc giữ trong đầu rồi từ từ lái mọi người về đường quốc lộ cũng được, tuỳ vào năng lực thảo mai. Quăng câu này ra một cách lạnh lùng quá có khi làm cho mọi người “sượng”, căng thẳng không cần thiết.

Những người giỏi truyền đạt luôn bắt đầu bằng cách đi thẳng vào trọng tâm. Sau đó, họ bắt đầu gợi mở các câu hỏi hoặc cho người nghe phát biểu, xem họ còn cần chi tiết nào không, khi đó “chi tiết” mới đáng giá thật sự. Bằng cách này, cuộc nói chuyện vừa hai chiều vừa không cảm giác “dài”. Dài ngắn ở đây chỉ là cảm giác, họp 15 phút mà lung tung, không thấy mục đích thì còn nặng nề hơn họp 45 phút có định hướng, bàn bạc trên một vấn đề rõ ràng.

Một cuộc họp rất lâu rồi, khi đó mình vừa ra trường và làm Account ở công ty Digital (khi đó số Digital Agency chắc ít hơn một bàn tay). Chiến dịch gặp khó khăn, KPI khó đạt được vì tương tác bết quá. Anh sếp tổng họp khẩn cấp, ai cũng hoang mang. Mấy con số sau là chế đại, lâu quá rồi chẳng nhớ, với đừng quên thời tác giả mới ra trường là thời hồng hoang của Digital nha.

– Đã qua 2 tuần rồi mà mới đạt 5K like trên 50K, làm sao đây ta, còn có 2 tuần nữa?

– Dạ, tại phòng Operation seeding lộ quá…

– Phòng nào làm chưa tốt thì phòng đó tự biết rồi. Giờ sao để đạt 45K like còn lại đây?

– Ngay từ đầu em đã raise vấn đề lên, không ai nghe em, mình nên kick off campaign này bằng cách…

– Anh chỉ có 15 phút với mấy đứa thôi. Giờ vầy đi, mình còn 14 ngày, vậy lấy 45K chia 14 là…, ừm… vậy thật ra một ngày mình cũng chỉ cần đạt hơn 3K like thôi. Anh thấy doable hơn nè, giờ các nhóm có phương án gì không?

– Anh ơi, mình chưa xài hết nguồn lực của các Forum. Bên XXX mỗi ngày 10K tương tác, mình thử liên lạc với Admin bên đó, inbox cho user của họ.

– Tiếp tiếp!

– Mà mấy admin đó cũng “gắt” lắm anh ơi, đòi nhiều tiền, trả trước rồi còn phải đòi tìm hiểu kĩ chiến dịch này nọ nữa…

– Ngay hôm nay em liên lạc với tụi nó, anh sẽ xúc tiến hợp đồng thật nhanh, sáng mai em cho anh biết là mọi chuyện tới đâu rồi.

Cuộc họp bắt đầu hứng khởi thật sự, các bạn khác hăng hái tham gia hiến kế, không còn ai lan man. Chiến dịch ấy đã trót lọt và mình thì có được buổi họp không thể nào quên. Nếu đọc kĩ đoạn hội thoại trên, bạn sẽ còn thấy phẩm chất lãnh đạo của anh MD không chỉ là “biết dẫn dắt”. Sau agency này mình bắt đầu qua mảnh đất Above The Line – Traditional Advertising tới giờ, mang theo gia tài 6 tháng làm Account. Điều hơi buồn là hiếm lắm mới có cuộc họp ngắn gọn, ra chuyện và nhất là không mang màu sắc “đấu tố”, hoạch tội nhau. Thường thì sau một tiếng đồng hồ mới có ai đó “phát hiện” ra vấn đề chính và may mắn thì kết thúc sau một tiếng nữa, dù rõ ràng là mọi thứ có thể đơn giản hơn nhiều.

Mình tạm mượn phương trình “đểu” sau của một bếp viên:

Nội dung trọng tâm + Thông tin cần thiết = Dẫn dắt tốt

Trọng Nhân, 2 năm đứng bếp Digital.

Chuyện viết và nói thẳng vào trọng tâm không phải là tôn vinh viết ngắn, xem nhẹ viết dài. Viết nhiều chữ mà vẫn giữ được sự theo dõi của người đọc là kĩ năng mà copywriter rất cần để viết súc tích. Nhìn chung đều xuất phát từ sự tôn trọng và để tâm đến người nghe, chịu khó dằn cái tôi xuống một chút.

À, mà bài này thật ra ý chính là mình có đi training cho công ty. Biết bên nào cần thì giới thiệu nha. Dài dòng dễ sợ.


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Create a website or blog at WordPress.com

%d bloggers like this: