Thật ra bài này tên là “Đam mê”, mà thấy tựa vậy mình còn mê không nổi nên uốn éo một chút.
Trái với mọi người hay nghĩ, “Làm thế nào để tìm ra ý tưởng?” chỉ đứng hạng 2 trong số các câu mình hay được hỏi. Đương kim vô địch thuộc về:
Làm sao để tìm ra đam mê của mình vậy anh?
Câu này làm khó mình ở chỗ mình thật ra chỉ là người đờn ông bị dính lời nguyền, tìm được niềm vui thích với sáng tạo từ sớm. Mỗi khi hoài nghi, mình hay tư duy như sau để kiểm ngược lại về cái tình yêu đang theo đuổi. 3 điểm này cũng là lời khuyên mình dùng để trả bài cho câu hỏi trên và (nghe kể) đã giúp được kha khá bạn.
1. Điều gì làm mình vui?
Ta hay nghĩ về đam mê và vội gắn nó với một ngành nghề, điều này cũng khó trách. Thực ra hiếm ai thích một nghề vì “nguyên” một cái nghề lắm. Thường chỉ thích một vài góc nhỏ, tư tưởng hoặc thao tác của nó thôi. Biết hay không biết lý do cũng được, nhưng khi đụng tới kiểu đầu việc đó, khâu đó thì mình bỗng dậy hứng.
Cách đây 3 năm, mình có dịp training cho một công ty game. Khi chia sẻ về việc đầu tiên bạn làm sau khi về nhà là gì, hầu như mọi người đều nói: Mở máy lên và chơi game! Thoạt tiên mình nghĩ ồ đúng là dân “đam mê” game, sự thật là: làm việc cho game không có gì giống với chơi game, điều mà đa phần các bạn đều nhầm lẫn! Các bạn chia sẻ khá thẳng thắn là “bị lầm” thôi, mê game quá, mơ là game thủ chuyên nghiệp rồi vượt qua những cơn bão chửi bới của ba mẹ để “đi làm cho công ty game” (ngành game bị kì thị gấp chục lần quảng cáo của mình đó!). Rồi đọc cái câu “Làm cái mình đam mê để không phải làm việc một ngày nào nữa” mà bị lú, không hiểu cái sâu xa của nó. Bạn trưởng phòng cũng bày tỏ đa số người ở đây là dân mê game hạng nặng, nhưng thực chất ít người thích chuyên môn, hoặc thậm chí là hợp với vị trí ở một nhà làm game lắm. “Xung quanh anh toàn là game eiii” chứ những thao tác “hậu trường” không làm nhiều người hứng thú. Ngược lại, một số bạn bước vào vì thích làm marketing, sản phẩm game thì bạn từ từ học, rồi tỉ mẩn làm vậy mà lại có hồn hơn.
Mình thích làm truyền thông nhưng chúa ghét tham gia vào quá trình sản xuất. Những buổi họp tiền kì, cân nhắc và nhận xét các chi tiết thực thi, và trời ơi… đi quay, cực như thú, nếu không cực thì cũng chán bỏ xừ! Nhiều copywriter khác hoàn toàn ngược lại, bước vô trường quay là như mèo gặp laptop. Cái làm mình hứng khởi là những lúc nghĩ ý tưởng, khi cả nhóm tìm ra được một cái ý ngớ ngẩn ơi là ngớ ngẩn, cười như mấy con điên. Khả năng nhớ các buổi brainstorm của mình rất mạnh, mình nhớ là ai ngồi ở đâu, tư thế gì, mặc đồ gì, trước đó có cái ý gì… Câu mình hay nghe các bạn nói là “Sao hôm trước em nói vu vơ mà anh nhớ rõ thế, em còn không nhớ nữa!”.
Chơi đùa với những cái ý vô hình, những dòng suy tưởng làm mình thấy vui.
Khi biết thật sự cái gì mới làm mình vui, bạn có thể tha hồ “bê” nó qua một số ngành nghề cũng như mô hình làm việc khác, miễn bạn được làm việc ấy ở tần suất càng nhiều càng tốt. Khi ấy, bạn mới “chịu khó” trau dồi thêm những kĩ năng phụ trợ hoặc tìm cao nhân để theo đuôi, vì mục tiêu của bạn đã rõ:
Tìm mọi cách để được làm điều ấy đến già!
Bạn có thể thắc mắc ủa vậy còn thế mạnh thì xaooo?
Mạnh để làm gì nếu mình không vui? Câu hỏi điểm mạnh điểm yếu thường hiếm khi giúp ích được ai. Bao nhiêu con người giỏi giang vẫn hỏi mình “Em làm rất tốt cái đó, thế là em bị kẹt luôn, sếp cứ giao hoài, mà em không có thích gì hết á, em thích A, B, C…”. Chưa kể với một số người trời phú cho năng lực tư duy, “em làm gì cũng được hết, cho em thời gian là em học nhanh lắm, nên giờ em băn khoăn là em sẽ đi con đường nào, em muốn có “mũi nhọn” như anh?”.
Khi hiểu đâu là niềm vui thích thật sự, bạn sẽ tìm được cách làm điều ấy bằng thế mạnh của mình.
Đam mê cho mình niềm vui.

2. Bào màn đêm
Tối về, cái gì vẫn còn làm mình “đau”?
Câu hỏi này giúp bạn nhận ra 2 “món”:
1. Giá trị nào mình không thể sống thiếu hoặc bị vi phạm? (Hôm nào rảnh sẽ nói)
2. Vết thương nào bạn thật sự muốn vá lành?
“Vết thương” đôi khi chỉ đơn giản là bạn đau đáu nhất khi thấy cảnh tượng gì vào buổi sáng? Cô giáo tâm lý Hoàng Minh Tố Nga (Hồn Việt) là người nhắc mình điều này. Cô không hiểu vì sao cô rất đau lòng khi thấy những người già mà chưa được ngơi nghỉ, vẫn phải mưu sinh hàng ngày ngoài kia với rất nhiều thiếu thốn. Cô luôn hết mình với những chương trình liên quan đến đối tượng này là vì vậy. Cô cũng buồn khi thấy các em nhỏ cơ nhỡ, nhưng không hiểu sao nỗi buồn ấy không theo mình đến tận cuối ngày.
Với mình thì “phân khúc” mà mình luôn lo lắng (bao đồng ghê, không ai mượn) là giới trẻ. Cụ thể theo kiểu Communication là “first jobber”. Dĩ nhiên khi thấy anh chị nào va vấp mình cũng thương cảm, nhưng rồi mình lại thấy thật ra “lớn hết rồi”, có chồng con, thâm niên trong ngành, lương cao… rồi sẽ tự đứng dậy được thôi. Còn mỗi khi nghe một bạn mầm non kể chuyện uất ức nào đó, hay họ bị rối trí trong công việc thì mình thấy buồn như thể là chuyện của mình. Những con người trẻ trung hừng hực như vậy, sao lại phải nghe những câu vô nghĩa như thế, sao phải làm mấy thứ tối (hù) tạo vậy? Mình muốn góp phần giúp các bạn nhỏ đỡ đau khi sáng tạo. Nhiều bạn hỏi chừng nào có “Sáng Tạo XYZ”, mình đùa đùa cho qua, chứ thiệt ra chắc còn lâu lắm. Thời gian rảnh, mình lại mang bài ra lật qua sửa lại, mỗi lớp là nội dung đã rất khác, cách một lớp là có bài hoàn toàn mới. Trước mắt mình chỉ muốn đầu tư “Sáng Tạo A Bờ Cờ” cho nó tốt hơn nữa vì thế hệ mầm non lon ton thôi. Và mình làm điều ấy một cách vô cùng thoải mái và luôn thấy “đúng”. Viết quyển “90-20-30″ với tâm thế biết thừa đi vào chuyên môn thì sẽ kén người đọc hơn, mà lại còn những điều cơ bản nữa nhưng mình vẫn dốc lòng làm. Viết cuốn đó khó nhất là phải gần gũi với tuổi mầm non thì mới thấm, may nhờ có Cindy Lê. Mình có nghe vài anh chị lớn trong ngành chê là thất vọng quá, tưởng nói về Big Idea hay gì, ai dè lại quay về “gõ đầu trẻ”. Mình biết độc giả muốn gì, nên mình cho họ cái mình muốn vì không gì thật bằng làm cái mình máu me. Mấy đứa tìm được đam mê da mặt thường dày. Ai muốn Big Idea thì thuê mình làm cho, mình không “bán” Big Idea với giá 200K, tổ nghiệp quật. Mà làm buổi sáng thôi nha, tối bận “đau” rồi.
Mỗi ngày ta gặp bao nhiêu là chuyện buồn trong cuộc sống, nhưng trong số đó, thật ra có ít cái chạm sâu vào mình. Biết điều gì làm mình vui sẽ dẫn mình đến một công việc mình ham thích. Biết điều gì mình muốn hàn gắn sẽ dẫn mình đến những công việc ham thích tiếp theo.
3. Giấc mơ sâu
Ý này không hẳn là tìm ra đam mê, nó thiên về duy trì đam mê của mình thì đúng hơn.
Mình thấy kha khá buổi workshop hướng dẫn người ta tìm ra giấc mơ lớn của đời người bằng cách nhắm mắt tưởng tượng, xem khi mình thành công thì “viễn cảnh” ấy ra sao. Y như rằng, đa số mọi người sẽ có những ước mơ liên quan đến vật chất, xe cộ, biệt thự, công ty bề thế… Người lãng mạn hơn thì tưởng tượng y như Netflix. Tóm lại là mình không bao giờ hình dung được gì vượt ngoài phạm vi hiểu biết và biên độ tưởng tượng (nếu có) của mình đâu. Nên cách đó với mình không hợp lắm để biết một thứ có phải là đam mê hay không.
Những điều trong sâu thẳm mình muốn làm sẽ tự vẽ cho mình những ước mơ sâu. Là những ước mơ không bao giờ rõ ràng. Chỉ là khi ai đó đưa ra một cơ hội, bản có ngay “cảm giác” nó đúng với định hướng của mình, thế là chơi! Bạn luôn có những hình ảnh lung tung trong đầu là phải làm thêm cái này cái kia, đi con đường nọ dù bạn không rõ đích đến. Cuộc sống mà, đâu phải như làm chiến lược kinh doanh 5 năm đâu mà có mục tiêu dài hạn, ngắn hạn và KPI. Câu nói kinh điển “hãy yêu hành trình, không phải đích đến” sẽ hơi thừa với những người có đam mê, vì có “đích đến” đâu mà yêu! Làm bao nhiêu vẫn thấy “thiếu”, làm gần xong thì sẽ có những thúc đẩy cho cái tiếp theo ngay. Cảm giác mơ hồ ấy không phải ai cũng có.
Đam mê làm mình vui, cho mình sức mạnh và dắt mình vào vùng tối.
Như đã nói ở đầu bài, mình nhuần nhuyễn 3 góc nhìn này rồi nên khi viết ra, bạn có cảm giác nó theo trình tự. Không, đừng để mấy đứa có chữ lừa. Đôi khi chỉ 1 điều là đủ “thấy” đam mê của mình rõ mồn một. Bạn đã có một “cơ sở” (dù mơ hồ) cho những dự định của mình. Mình nhìn 2 chữ “đam mê” này như một hình khối, cái khung trong suốt, mỗi ngày trải nghiệm, mình lại “bỏ” vào đó một chút. Nếu góp nhặt đúng thì nó càng rõ ràng hơn và trình hiện cho nhiều người xem. Sẽ có những người không thích và ra đi, nhưng những người “ở lại” thì gắn kết vô cùng. Ngay cả group Yêu Bếp còn có anti.
Làm sao biết mình đã tìm ra và sống đúng với đam mê? Thứ nhất, bạn sẽ biết thôi. Một sự thôi thúc tự nhiên và năng lượng dạt dào đến thế, có khi sôi nổi, có lúc lâng lâng âm thầm mà sao không nhận ra được. Thứ hai, bạn bắt đầu không dùng chữ “đam mê” nữa, thậm chí bạn thấy nó “sến”. Bạn chỉ nói là mình mê làm cái này, không được làm cái kia bạn sẽ lăn đùng ra ho cho coi, “thích thì làm thôi, chắc kiếp trước tui nợ mấy người này haha!”… Thứ ba, bà con cô bác sẽ hay hỏi bạn “Làm cách nào để tui sung như em nhỉ, thấy cách em làm [điều gì đó] mà ham quá!”.
Nếu bạn rà qua 3 cột mốc này mà vẫn thấy tim mình trơ trơ thì cũng chẳng vấn đề gì. Người có đam mê thật ra cũng không thượng đẳng hơn ai. Không ai dám khẳng định có đờ mờ thì mới có giá trị trong cuộc đời này. Mỗi người chúng ta sẽ có giáo án riêng.
Mà nói trước, lỡ “có” rồi thì phải có trách nhiệm, rồi bị nó dằn vặt, ăn không ngon ngủ không yên thì không có đổ thừa nha!
Leave a Reply