Một bài tập giúp bạn cảm giác hơn với chữ cũng như công phu lựa chọn từ ngữ:
PHÁ CÂU HAY THÀNH CÂU DỞ.
Tụi mình đều lận lưng một số câu hay từ các cao thủ rồi, giờ đem nó ra không phải để khen, mà là “nghịch phá” cho nó bớt hay đi. Nguyên tắc:
Mỗi câu “chế” chỉ được thay / thêm / sửa một hoặc hai từ và phải giữ nguyên nghĩa gốc.
Mình vẫn đang truy tìm cao thủ nào viết câu này cho Harley Davidson tại Việt Nam:
Rền vang mọi nẻo đường.
Mình không rõ đây là tagline chính thức hay chỉ là một campaign line, nhưng theo hiểu biết tí tẹo của mình về thương hiệu lừng danh này thì Harley được ví von là “Thunder of America”. Tiếng động cơ như sấm nổ thật sự là một biểu tượng của tinh thần Mỹ.
Thử “phá” nó một chút để thấy sự dụng công của người viết.
1. Rền vang trên mọi nẻo đường.
Có chữ “trên” làm câu dài hơn là một lẽ, nó còn làm sự rền vang này hơi mang tính khoe mẽ, bớt ngầu. Hơn nữa, nó khiến chữ “rền vang” chỉ còn là âm thanh thuần tuý, mất đi cái ngạo nghễ của cá tính. Lược chữ “trên” thiệt là hợp lý.
2. Rền vang mọi cung đường.
À, viết ra mới ngẫm nghĩ, nếu gặp mấy bạn marketer “đạo premium” thì chắc họ sẽ đi với câu này. “Chữ “nẻo” nghe nó không premium lắm, “cung đường” nghe thơ thơ, sang sang hơn á nhỉ?”. Bạn nói mình mất dạy nói xấu khách hàng thì mình nhận, gặp mấy ca này nhiều nên trái tim sỏi đá (remix, karaoke, live, lyric, Đàm Vĩnh Hưng, Lâm Chí Khanh) rồi.
Sức gợi hình ảnh của “nẻo đường” rất khác, bốn phương chẳng từ, tới những chân trời máu phiêu lưu của mình muốn tới.
“Nẻo” thể hiện đường to lẫn đường nhỏ, “cung” chỉ dành cho đường lớn, không thể hiện được tính chất “mọi” như “nẻo”.
Ms. Thuy Dung, Founder of Day Day Write Word.
Chính vì nó không “thơ” (văn hoa, văn vẻ quá đáng) nên mới nam tính, còn “cung đường” thì thật ra đi phượt thường thường check-in là đã có rồi, nên “nẻo đường” sẽ hợp với cá tính những người cưỡi Harley hơn.
3. Ầm vang mọi nẻo đường.
Và những chữ khác như “gầm vang” (lộ quá, Tiger King hay gì), “rộn vang” (vui quá, quảng cáo Tết hay gì) đều không ổn. Lúc này mình thấy phê hơn với lựa chọn “rền vang” của tác giả, vì đây là âm thanh trầm (như tiếng pô), kéo dài, đúng với danh hiệu “Tiếng sấm của nước Mỹ”.
Bạn đừng chỉ làm trong đầu hoặc khen từ này từ kia hay. Câu hay “nó” biết nó hay rồi. Viết xuống từng câu một, mỗi câu thêm / bỏ / sửa một hay hai từ, nghiêm túc như thể nó là brief của bạn. Chọn câu tiếng Việt sẽ khó hơn. Trừ khi trình của bạn là Hana’s Lexis, hiểu trọn vẹn và cảm được connotation của tiếng Anh để mà phân tích và so sánh.
Làm bài này cũng nên hiểu mấy thứ mình đang phanh phui thật ra là… nhảm nhí. Mình không đoán được người viết đã nhận đề thế nào, qua bao nhiêu vòng, vượt những ràng buộc gì, có ai phụ không, marketer đã tham gia thế nào và đã lập luận ra sao lúc đi bán… Mình chỉ đang tự “làm dở” cái câu để cảm hơn cái hay đang có, từ đó vỡ ra bài học CHO CHÍNH MÌNH.
Trong lúc tu luyện viết câu để đời, thôi mình đi phá mấy câu để đời khác. Biết đâu “nghiệp” ập đến, “bắt” mình viết câu để đời cho người khác có cái phá thì sao? Mới nghĩ thôi đã thấy xợ quá xợ quá!
Ai chơi trò này thì còm mên cho mình xem với nha.
Leave a Reply