SÁNG TẠO TỐI DẠY 01 – BỜ LÝ THUYẾT

Đến nay đã có đâu chục bạn bè anh chị tìm đến mình, mang theo một túi âu lo.

“Xơn ơi người ta rủ anh đi dạy, anh lo quá…”

Lo gì, anh đã có Xơn. Và sau đây là những điều đầu tiên mình luôn muốn họ hiểu trước khi nhúng ngón chân vào việc đi dạy nghiệp dư này.

Chúng ta là những người ở bến bờ lý thuyết.

Câu này nghe qua hơi mất nhuệ khí, nhất là với những chuyên gia ngấp nghé đi dạy (đã được mời đi dạy thì hiển nhiên là chuyên gia trong lĩnh vực nào đó rồi hen). Mình chọn câu này để mở đầu cho những buổi cà phê chia sẻ siêu dài với họ, bởi đó là điều mình ước mình ngộ ra sớm hơn.

1. Chinh chiến nhiều năm thì bạn đã có một rổ kinh nghiệm, một ề những thắng thắng thua thua, một vài vết thẹo chiến trường… Và khả năng khá cao là nó không quá nhiều ý nghĩa với học viên tương lai của bạn. Điều người học cần là kiến thức nền tảng, những lý thuyết quan trọng – mới nghe qua thì quá sức đơn giản với bạn nhưng vô cùng mơ hồ với người chưa biết gì và sự hệ thống bài bản, rõ ràng.

Bạn đã ở trong giang hồ được 10 năm. Không tồi chút nào. Nhưng 10 năm đó dù bạn có thực hành đa dạng đến đâu thì vẫn có rất nhiều phạm vi trong nghề bạn chưa có dịp trải nghiệm. Và học viên hoàn toàn có thể đang làm việc trong ngành hàng đó, họ muốn học để áp dụng vào thực tế của họ.

Vì vậy trong quá trình lên nội dung, bên cạnh truy hồi trí nhớ thì bạn luôn cần nghiên cứu rất nhiều để có cái nhìn càng tổng quát về cái bạn dạy thì càng tốt. Trong trường hợp Quảng Cáo của mình đi, làm 10 năm nhưng bạn đã xem những video Youtube về “History of Advertising” chưa? Bạn có để ý trước khi bạn vào nghề thì thế hệ trước mần quảng cáo thế nào không? Có gì hay, dở so với bây giờ. Vì sao cái “cáo” của ngày nay nó không “cáo” như xưa nữa? Chỉ khi hiểu mình đã là người của thế giới lý thuyết thì bạn mới có động lực và kiên nhẫn lục lọi tài liệu thế này thôi. Còn trước đây thì có thể bạn bĩu môi, ôi giời không thực chiến!

Nội như vậy thôi thì chưa dạy buổi nào, bạn đã học được bao điều mới và bắt đầu có thêm góc nhìn (tốt xấu chưa biết) về cái nghề của mình rồi.

2. Vì bạn chỉ vừa mới bước vào cánh cửa của người truyền đạt lý thuyết nên bạn là… một thực tập sinh, không phải “director” hay “manager” gì ráo.

Hiểu như vậy để bình tâm. Bình tâm trước cái gì nhỉ?

Không bị điên, cào cấu bản thân khi soạn bài bị bế tắc. Nhớ lại lúc bạn thực tập cách đây mươi năm đi, tắc bế là bạn thân cùng ăn xế mỗi ngày mà.

Không tự ti, tự ái, tự quạu khi ai đó nói ra nói vô. Gì chứ cái này thì mình đầy ụ kinh nghiệm. Rất nhiều bạn muốn đi dạy nhưng còn chần chừ vì rào cản này. Lúc đi làm thì không sao nha, đi dạy một phát là có người xầm xì liền “Tao thấy ổng có giỏi gì lắm đâu / chời ơi coi chừng hỏng một thế hệ đó / hôm trước tui nghe khách hàng chửi bả tưng bừng, mà giờ đi dạy rồi / ôi vậy là sắp tới có thêm một loạt đứa theo đạo [tên bạn] / thằng [tên bạn] đó nó nói chuyện bình thường nhóm của nó còn không hiểu, giờ còn đi dạy…”. Kệ đi bạn. Bạn bước vào một thế giới mới, có nhiều trăn trở mới để lo lắng. Chưa kể còn nhiều gương mặt mới đang chờ đợi sự hiện diện và nội dung bạn mang lại. Cứ đi từng bước.

Không tự cao, nghĩ mình giỏi hơn học trò nhiều. Mình nói gì là tụi nó nghe nấy và “phải” hiểu. Bạn cần không ngừng học hỏi mọi thứ liên quan đến giảng dạy. Nhắc lại, bạn là người mới toanh trong vũ trụ này. Về chi tiết học gì hỏi gì thì các bài sau mình sẽ nói dần dần (tại nhiều lắm).

Bài đầu tiên nên viết gọn vầy thôi. Viết đến đây tự nhiên lo lo. Không biết chuỗi bài này có ai thèm đọc không vì nội dung có vẻ ngách quá. Rồi có thầy cô xịn nào vô chửi vì “nông” quá không, hay vô thách thức đòi coi bằng Sư Phạm (mà mình chưa bao giờ có) không. Để tối hôm nào viết tiếp coi còn lo không.


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Create a website or blog at WordPress.com

%d bloggers like this: