Vai trò của người hướng dẫn là gì? Có phải là người lái đò đưa học viên sang sông không?
Cao lắm thì người dạy cũng chỉ là người gieo mà thôi.
Gieo hạt chứ còn gì nữa. Vấn đề ở đây là hạt này sẽ là hạt gì?
Bạn giỏi thế nào đi nữa thì điều đó chỉ có ý nghĩa với người tuyển dụng mà thôi, hoặc một tổ chức học bổng nào đó. Bạn giỏi là giỏi cho mình thôi. Học viên có được lợi trực tiếp gì từ việc đó không? Thiệt ra là có, nhưng chỉ khi bạn gieo thành công 3 thứ sau.
Gieo kiến thức
Sến ghê, tự viết tự thấy sến.
Những điều bạn tin rằng người học cần phải biết, không biết là đời sẽ dập tơi tả. Những khái niệm trong cuốn sách mà bạn tin, cộng với “khái niệm” mà bạn tự vỡ ra trong thực hành. Những quy trình, bước 1 bước 2 chặng A chặng B… để người học hoàn thành một nhiệm vụ nào đó.
Phần này chiếm 2/10 cái sự “gieo” của bạn và bạn có thể chủ động cân nhắc gắp ra bỏ vào, nhiều hay ít tùy thời lượng và mong muốn.
Gieo cách tư duy
Cách bạn nhìn nhận vấn đề và xử lý nó. Ví dụ dạy về chủ đề BRIEF đi, đọc và mổ xẻ một cái đề bài quảng cáo từ người thuê mình. Phần kiến thức thấy vậy chứ không quá khó, bạn có thể vận dụng kinh nghiệm sẵn có và tham khảo ở cả ngàn trang trên mạng, không cần bước qua trang tìm kiếm thứ 4, 5 gì đâu. Cái khó là truyền đạt cho người học một cái khung suy nghĩ mà mình hay gọi là các “thao tác tư duy”. Ví dụ một phần nha, đứng trước đề bài, ta chí ít cũng cần phải:
+ Xem đâu là nguồn cơn mà có đề bài này. Việc này giúp người làm sáng tạo có cái nhìn sâu hơn một tẹo về vai trò của ý tưởng mà mình phải đào kiếm sau này. Nếu không có sẵn thì hãy hỏi trong cuộc họp.
+ Rà coi đâu là cái chính cần ta làm, cái nào là cái dẫn đến cái chính đó. Thông điệp mà nhãn hàng muốn nói, nó thực sự có ý nghĩa gì? Dù là khi đọc cũng đã hiểu, nhưng hãy “giả ngu” hỏi thêm về các khái niệm đang đưa ra. “Hạnh phúc là hạnh phúc kiểu gì ta?”, “kết nối cụ thể là gì, ví dụ được không?”…
Sơ sơ hai thứ trong một chùm thao tác tư duy sẽ giúp người creative hiểu ngọn ngành về trận chiến mà mình sắp bước vào.
Hễ cứ truyền đạt cái gì mà dính đến “tư duy” là thấy khó hơn kiến thức thông thường rồi. OK cái brief quan trọng lắm nha mấy đứa, đọc kĩ, nó là thỏa thuận bà la bà la gì gì đó… Nhưng thực tế khi đụng trận, khả năng cao là học viên sẽ quên hết kiến thức, chỉ nhớ các thao tác tư duy mà thôi.
Bạn cần chuẩn bị:
+ Giới thiệu rõ ràng, rành mạch về thao tác tư duy này và vì sao nó có ý nghĩa dữ vậy trong thực tế.
+ Bài thực hành kèm ví dụ. Ví dụ ở đây chỉ đơn thuần là cho người học dễ hình dung kết quả cuối cùng khi bắt tay thực hành thôi. Lúc thực hành họ vẫn làm lung tung xà ngầu à. Bài thực hành cần được tính toán công phu, vừa đủ hấp dẫn vừa không quá phức tạp, nhất là đòi hỏi họ phải biết thêm một vài thao tác nào đó khác chưa được học. Tóm lại là coi chừng mang nguyên cái đề to tổ chảng vào cho học viên làm, chỉ để vỡ ra một thao tác nhỏ nào đó. Bạn thì quen rồi nhưng học viên sẽ bị ngợp, dễ nản.
+ Những gợi ý, lưu ý để hỗ trợ học viên. Hình dung xem người mới sẽ dễ phạm các lỗi nào. Rào trước một chút sẽ dễ thở cho cả hai. Học viên học được một chút gì đó qua phần lưu ý, còn bạn thì đỡ lên tăng xông khi chấm bài.
+ Sửa bài + tổng hợp các lỗi sai phổ biến + khen những bạn làm tốt.
+ Có thể dặm thêm bằng cách cho bài tập về nhà có liên quan. Bài này thì có thể khó hơn.
Phần này chiếm 4/10 cái sự “gieo” của bạn và khá khó để thiết kế. Phần thưởng của nó đến khá chậm nhưng xứng đáng. Vài tháng sau, có khi cả năm, khi học viên thực sự va chạm và vận dụng cách nhìn và cách tấn công vấn đề của bạn để hoàn thành công việc của họ, họ mới thực sự hiểu và nhớ đến bạn. Người đã đi làm rồi thì có thể nhanh hơn.
Gieo cách sống.
Lại sến, nhưng nó là thế.
Bản thân mình không có dạy gì “cao cả” hết, chỉ là dạy viết và nghĩ ý tưởng cho thế giới quảng cáo truyền thông mà thôi. Nhưng mình luôn bất ngờ khi học viên cũ gửi mail (hoặc voice) tâm sự và họ luôn nhắc đến những chi tiết mình không ngờ. Mình luôn nghĩ họ sẽ cảm ơn kiến thức và thao tác tư duy mình đã “cài cắm”. Cũng có mà ít thôi, cái họ nói nhiều hơn cả là:
+ Một câu động viên mình đã nói (90% mình không nhớ là đã nói) với họ.
+ Cái cách mình đã kiên nhẫn lắng nghe vấn đề của họ và có khi nói thẳng với họ là “cái này anh cũng hổng biết, anh chưa gặp bao giờ!”. Nhưng mình đã nghe họ trọn vẹn.
+ Lần đó mình đã bình tĩnh trả lời một ý kiến rất ư là ngáo của bạn học viên nào đó. Cả lớp thì bực bội vì câu hỏi trớt quớt của bạn nhưng mình đã không nổi nóng. Có gì đâu mà nóng, người ta nghĩ vậy thì nói vậy thôi, mình cứ nói quan điểm của mình. Thế là cả lớp có được hai góc nhìn về một vấn đề, mọi người đều lời!
+ Lời căn dặn về đạo đức nghề nghiệp, dặn dò về những cái bẫy mà người trẻ hay mắc phải trong môi trường làm nghề không lành mạnh… không hiểu sao luôn in sâu trong tâm trí của học viên.
Phần này chiếm 4/10 còn lại. Ngộ một nỗi là cái sự gieo này mình ít chuẩn bị được lắm. Đa phần là có gì đó xảy ra thì mình nói thôi. Hình như nó không phải là thứ người dạy cần tính toán ghê gớm. Học viên tự họ sẽ biết họ đang học với một người như thế nào.
Năm nay là năm thứ 7 mình đi dạy, tóm lại cũng chỉ là một chữ GIEO như vừa bóc tách. Những rào cản như phải có chức cao, phải trình siêu siêu siêu giỏi mới dám đi dạy không phải là sai, nhưng chung quy cũng sẽ là câu chuyện bạn có thực sự muốn là một người đi gieo hay không.
Vì những điều trong tim bạn muốn gieo mới có ý nghĩa với những con người đang ngồi trước mặt.
Leave a Reply