SÁNG TẠO TỐI DẠY 03 – CHUẨN BỊ (PHẦN 01)

Đi học còn phải chuẩn bị, huống gì đi dạy nhỉ? Chủ đề này dài quá nên đây là phần 01.

Chuẩn bị mà không biết là mình đang chuẩn bị

Một chị bạn từng nói với mình:

Người ham học thì thế gian này nhiều lắm, nhưng chị thấy rất ít người ham ĐI HỌC như em!

Chị Hờ (Nếu từng đọc Ý Tưởng Này Là Của Chúng Mình thì bạn đã “gặp” chị này rồi)

Từ những năm sinh viên mình đã “bộc phát” cái nết thích học này học kia. Cuối tuần nào mình cũng dự một buổi workshop gì đó của trường mình hoặc trường khác. Chủ đề thường xoay quanh kĩ năng mềm là chính, một cụm từ khá “hot” lúc đó (chứ không mòn như bây giờ). Mình rất vui khi được thực hành kĩ năng làm việc đội nhóm, quản lý thời gian, thuyết trình… dù bây giờ nhớ lại thấy nó siêu đơn sơ, thậm chí còn hơi sáo! Không sao, kỉ niệm là kỉ niệm. Thời đó còn chưa biết yêu nên mình yêu tất cả các anh chị ngày ấy đã mở ra các câu lạc bộ và hoạt động xôm tụ như vậy cho mình tham gia.

Khi đi làm, mình những tưởng công việc của một copywriter sẽ giúp mình “cắt cơn”. Nhưng không, ta đi làm mệt nhưng bù lại ta sẽ có tiền. Khi ta có tiền ta sẽ ngồi lên kế hoạch mua những món mà thuở hàn vi không dám mơ tới. Sơ sơ to-mua-list của mình: khóa A giá XX triệu, khóa B giá X triệu thôi nhưng không cho sinh viên đăng kí, khóa C giá chỉ X triệu nhưng chỉ dành cho nữ và mình đã dụ được chị đồng nghiệp ham vui đi học rồi ghi chú lại giùm mình… Hạng mục nội dung mình nạp vào đầu được mở rộng hơn (như chơi game nạp card), thế giới người lớn đúng thiệt tuyệt vời. Tâm lý, tư duy sáng tạo, nghệ thuật phản biện, nuôi dạy con khoa học, thuyết phục hùng biện, chinh phục phụ nữ đốn hạ đàn ông… mới chỉ là phân nửa những lớp mình học trong năm đầu đi làm.

Tua nhanh 13 năm sau, từ đầu năm 2022 đến giờ mình đã càn qua các lớp: căn tính người Việt, giáo dục giới tính cho con trẻ, lịch sử văn hóa phương Tây, tâm lý ứng dụng, khoa học về giảng dạy và diễn xuất.

Nói dông dài như vậy cốt để dẫn tới một lợi thế khi bắt đầu đi dạy của mình. Trong khi đa phần mọi người lo lắng là họ sẽ đứng lớp như thế nào, mình có được sự bình tĩnh nhất định vì tuy chưa bao giờ đứng lớp, mình đã NGỒI TRONG LỚP quá nhiềuuu!!! Có thể do đi học vô độ hoặc sâu trong một cái nơ ron thần kinh nào đó nhen nhóm việc đi dạy mà mình luôn để ý cách một cái lớp diễn ra, từ chuyện to đến chuyện nhỏ.

Ví dụ chuyện to: trải nghiệm buổi đầu tiên. Buổi 01 người ta thường nói về cái gì, cho học viên chào hỏi làm quen ra sao, bắt đầu bài giảng thế nào? Khi hết giờ thì trong lòng mình có hào hứng đến buổi sau không? Nếu có thì vì cái gì, hay vì sao mình tự nhiên có cảm giác như… bị lừa?

Chuyện nhỏ: cách người ta chuẩn bị và phát tài liệu cho mình. Vừa bước vào lớp là phát liền rồi dặn đừng coi, hay dặn là coi đi trong lúc chờ giảng viên? Tài liệu viết chi tiết không, giống bao nhiêu với slide khi giảng, đóng gáy thế nào, có chú ý đến thiết kế không hay xấu xỉu? Nếu chơi quét mã QR thì cái tài liệu pdf đó có phù hợp để đọc trên điện thoại không. Bên có tâm sẽ dàn trang sao cho dễ coi, đa phần là phóng lớn lên đọc nửa câu rồi níu qua phải đọc tiếp nửa câu rồi níu xuống dưới đọc câu tiếp theo để rồi học viên dẹp khỏi đọc luôn!

Vậy đó, từ buổi số 0 đến ngày kết lớp, từ giảng viên đến tư vấn đến trợ giảng đến học viên. Có “cái gì đó” làm mình chú ý thì mình đều ghi lại. Bên cạnh kiến thức thì mình luôn lưu tâm những thứ xoay quanh một cái lớp. Không phải lớp nào cũng hay, cũng “vỡ òa kiến thức” nhưng chắc chắn là lớp nào cũng dạy cho mình rất nhiều điều về việc dạy. Bây giờ thì dõng dạc chứ lúc trước khi đi dạy thì hồn nhiên hơn, chỉ lâu lâu thấy bản thân mình sao tiểu tiết quá, để ý chi cho nhiều, chả hiểu làm vậy để làm gì!

Giờ đi dạy mới hiểu. Năm đầu tiên thì mình dạy lác đác cho vài trung tâm Marketing, vì chưa có lớp riêng. Lo lắng thì dĩ nhiên là có, nhưng mình dễ dàng hình dung được mình sẽ mở đầu thế nào, tương tác với học viên ra sao và mạch bài lên xuống cho hợp lý để học viên không chán. Mình chỉ cần đến sớm 30 phút, kiểm tra kĩ thuật máy móc, ngồi nhìn ngắm những hàng ghế trống, xem “tuyến đường” mà lát nữa mình sẽ đi qua đi lại giữa các học viên… là xong. Và mình đã dạy… tốt thiệt! Cuối năm, bên trung tâm cho mình biết kết quả đánh giá bình chọn của học viên. Mình luôn đứng nhất, “em chưa thấy giảng viên nào được chấm 9 và 10 nhiều như vậy đó anh!”. Chỉ có 2 nhận xét chưa tốt từ học viên là: anh Sơn nói nhanh quá em nghe không kịp và đến cuối buổi anh Sơn nói hơi nuốt chữ em nghe không rõ. Hai lỗi này đến giờ mình vẫn phạm, chưa sửa được chán ghê. Năm đó mình 27 tuổi.

Tóm lại:

Muốn dạy tốt, bạn nên đi học thật nhiều.

Từ khóa ở đây là ĐI. Dĩ nhiên thời buổi này học online phổ biến rồi nên không còn hẳn là “đi” nhưng bạn hiểu ý mình mà. Đa phần các chuyên gia đi làm là chính, không nhiều người lớn ham thích bước vào một cái lớp nhỏ nào nữa. Nhưng nếu ngày đẹp trời nào đó bạn sắp bước vào con đường truyền đạt thì đăng kí một vài lớp học là một gợi ý không “tốn thời gian” đâu.

Đi học để được “nhớ ra” mình không muốn ngồi trong một cái lớp thế nào thì mới có động lực tìm ý tưởng để thiết kế một cái lớp ngược hoàn toàn.


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Create a website or blog at WordPress.com

%d bloggers like this: