SÁNG TẠO TỐI DẠY 04 – CHUẨN BỊ (PHẦN 02)

Chuẩn bị cho sự chuẩn bị.

Đi dạy thì phải chuẩn bị cái để dạy – giáo án, bài giảng là chuyện hiển nhiên. Để việc này dễ dàng thì bạn cần “chuẩn bị trước” một chút. Nhiều chút thì càng tốt.

Sau đây là một vài nguyên liệu mà khi cần bạn mới đi tìm thì thường là quá muộn.

1. VÍ DỤ DỞ

Để học viên không bị mơ hồ (có khi sâu tới 2m) thì đưa ra ví dụ là một điều bắt buộc. Vấn đề là sau năm đầu đi dạy thì mình mới vỡ ra:

Một phản ví dụ đôi khi giúp người ta hiểu vấn đề hơn là ví dụ “chuẩn chỉnh”.

Bạn giảng giảng giảng, rồi đưa ra một ví dụ hay (như cách ta hay làm) thì học viên cũng ừ ừ, hiểu hiểu. Nhưng khi bạn tung ra một cái sai thường gặp thì khả năng cao là họ mới thật sự “giật mình”. Tùy mức độ thân thuộc với chủ đề đang nói mà mình có thứ tự khác nhau, có khi mình đưa cái tốt ra trước rồi mới đến cái sai, có khi ngược lại. Điểm chung là học viên luôn ấn tượng và chú ý hơn đến lý thuyết khi họ được thấy đã có ai “sụp hố” trước họ.

Mình trải nghiệm chuyện này rõ nhất là khi bắt đầu viết quyển “90-20-30” và ngắc ngứ khi không thể nhớ được hồi tuổi mầm non mình đã viết dở ra sao, để mà cho vào sách. Hai năm đầu đi làm mình nhớ là đã cho ra đời nhiều câu copy kinh dị lan truyền khắp công ty. Nhưng do máy hư mất dữ liệu và chưa xài mấy thể loại sao lưu dữ liệu nên đã mất trắng. Mình đã thử tự chế ra rồi nhưng nó không tệ organic, không sai tinh khôi được. Viết hay nó cũng có cái khổ lắm các bạn. May là có “cô bé 20” mà mình có được những câu viết ngô nghê đúng chất copywriter vừa vô nghề.

Cái hay của ví dụ dở:

  • Tạo phản hồi mạnh mẽ. Vì mình dạy sáng tạo và viết lách nên một khi mà viết dở thì nó… bao ngớ ngẩn. Mọi người cười lăn, nhờ lăn qua lăn lại nên thấm đều và sâu.
  • Hiểu kĩ hơn về cái khó trước khi bước vào thực hành.
  • Học viên thấy họ trong đó, nhất là với chủ đề thân quen. Điều này hình thành một “bộ lọc” vô hình trong đầu. Khi làm bài tập trong lớp lẫn làm nghề thực tế thì họ cũng tự nhắc nhở mình, tự loại ra mấy câu dị hợm, chẳng hạn vậy.
  • Bớt chán. Cái hay thì hay thiệt, nhưng có khả năng họ đã thấy nhiều trong cuộc sống, hoặc từ sếp của mình.
  • Họ thấy bạn rất sâu sát, không “hàn lâm”. Điều này rất dễ hiểu vì những ví dụ dở-thuần-khiết này chỉ có thể đi ra từ thực tế mà thôi. Không chế ra được. Mình đố một người viết 5 năm kinh nghiệm có thể viết được một câu ngáo ngơ như hồi họ còn chân ướt chân ráo vào công ty.

Thường mình chỉ chuẩn bị cái tốt, cái dở mình đã xóa đi từ lâu. Lúc cần thì tìm không có ra (dù khi không cần thì nó cự lượn lượn trước mặt). Tìm trong khung chat, tìm trên drive trong vô vọng. Nên thư mục quý giá nhất trong máy của mình luôn là “Câu Dở Ẹc” hay “Idea Thấy Gớm”. Đó là nguyên liệu đầu tiên mà mình muốn nhắc các bạn giảng viên “trẻ”.

2. LỖI THƯỜNG GẶP / BĂN KHOĂN THƯỜNG THẤY

Nếu bạn hiểu mục số 1 ở trên thì logic ở đây tương tự. Hồi nhỏ, mình rất ghét khi thầy cô giảng xong và hỏi: “Có bạn nào hỏi gì không?”. Thường là không. Một số thầy cô nhìn quanh cái lớp im phăng phắc nhưng đầy ánh mắt né tránh rồi thở dài, có người còn “giận” nữa chứ huhu.

Nghe giảng xong rồi không biết hỏi gì là điều hết sức bình thường. Học viên chưa bắt tay làm nên họ chưa thấy rào cản thực sự, hoặc chưa biết là mình chưa thực biết. Việc bạn chia sẻ các lỗi phổ biến càng kĩ bao nhiêu thì học viên càng sẵn sàng hơn, cũng như hiểu vấn đề rõ hơn. Dĩ nhiên bạn vẫn có thể hỏi và xem học viên có thắc mắc gì không. Nếu không thì mình cứ chủ động hỏi trước:

“Thường khi nói đến chủ đề kích thích ý tưởng, mọi người hay hỏi Sơn là vậy việc bắt trend có thể coi là một chiều kích ý tưởng hay không. Các bạn có ai đang thắc mắc tương tự như vậy hơm?”

90% mấy bạn sẽ nhao nhao lên “À dạ có anh, em cũng đang nghĩ tới chuyện đó…”. Ôi giời, biết tỏng. Thế là bạn vừa mở ra một cuộc thảo luận mới, sâu hơn vào nội dung đang nói.

Chuẩn bị cái này thì dễ hơn, bạn có thể tự hỏi bản thân mình hoặc cà phê với vài đồng nghiệp (ngang lứa với học viên càng tốt). Hỏi họ xem khi nhắc đến chủ đề A này, các bạn ấy có những trăn trở gì rồi chuẩn bị sẵn thôi.

Cái thứ 3 mới khó nè…

3. CÁC PHIÊN BẢN – QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CỦA DỰ ÁN THỰC TẾ

Mong các bạn không bị ngộp với gợi ý này. Bản thân người viết bài là kiểu siêu “mọt sách”, thích gom góp ve chai, mê lưu trữ… nên khi làm việc này thì luôn đạt được khoái cảm.

Khi làm một dự án, hãy cố gắng giữ lại mọi phiên bản và ghi chú rõ các bước phát triển của nó.

Một trong những điều mà người học lẫn người dạy đều thích là mổ xẻ case study. Ai đó dịch là nghiên cứu trường hợp điển hình. Thích là vì nó cụ thể, nó có-vẻ-đã-thành-công nên có cái để mình học hỏi. Tuy nhiên, đa phần các case study mình thấy người ta đăng hay dùng trong lớp thì đều khá phẳng phiu, kiểu “đi cái rẹt” là tới giải pháp. Mình cũng không trách vì nó chỉ là vậy mà thôi, không trông đợi gì nhiều hơn.

Nhưng mình tin bạn là một người có nhiều thực hành, nếu bạn có thể dẫn học viên từ bước đầu tiên, qua một vài cái khó (chắc chắn là có) rồi đến kết quả cuối cùng, thì dù dự án đó không kinh thiên động địa, nó cũng mang đến nhiều giá trị thực tiễn cho lớp học.

Mình sẽ bày cho các bạn cách đơn giản nhất có thể:

  1. Bye bye save chồng, overwrite và say hello với Save As
  2. Bye bye save chung folder và say hello với việc mở nhiều folder + đặt tên rõ ràng

Nghe là thấy nerdy xỉu nhưng dễ lắm.

Phiên dịch screenshot:

  • 00 Brief – đề bài, mình thường đặt số 00 để nó luôn ở đầu, và cũng bởi khi làm mình luôn đội nó lên đầu.
  • 01 – 1 Draft là toàn bộ những câu mình viết cộng với các bạn làm chung. Mình giữ nguyên, không bao giờ xóa.
  • 01 – 2 Thường là cái mình đem đi thuyết trình
  • 01 – 3 Send out. Một khi có sự xuất hiện của folder này, nghĩa là sau khi thuyết trình thì mình đã chỉnh chỉnh cái gì đó, rồi mới thực sự gửi đi cho khách hàng
  • 02 Mình sẽ ghi thẳng lên tên thư mục là chọn cái gì, hay sửa option mấy, hoặc phát triển thêm direction mấy. Sau này coi lại cây thư mục là nhớ ngay.
  • 03 Final – Xong xuôi hết. Khi nào cần đưa dự án vào portfolio thì mình vô thư mục này.

Hãy tin mình, bạn cứ lưu như bình thường thì khi coi lại, bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian để “nhớ” coi là cái dự án cách đây 3 năm này, đã lên – xuống và có những bước ngoặt thế nào. Thấy vậy chứ dòng đời vội vã cuốn trôi là không có nhớ gì nhiều đâu.

Tư duy này có thể áp dụng cho học viên khi làm bài tập. Mình đã bị mấy lần là mình sửa thẳng trên nội dung học viên viết. Sau đó 2 tuần thôi, học viên hỏi “Anh anh, em nhớ là ban đầu em viết khùng điên lắm, anh có nhớ lúc đó em viết gì không ta? Em chỉ muốn coi lại thôi”. Rồi luôn, cả hai người cùng nhớ lại nhưng thật sự là không nhớ nổi. Sau này mình thường nhắc học viên là “Cái file này em đã Save as (hoặc Make a copy) chưa? Em sao lưu đi rồi anh sửa.”. Đến cuối khóa, được “nhìn lại” ý tưởng trưởng thành hơn qua từng bài tập, cả học viên và mình đều nhìn nhau hân hoan, như hình ảnh thầy trò được in trên mấy tấm thiệp 20-11.

Đó là 3 sự chuẩn bị mà bạn có thể bắt đầu liền, ngay từ trong tháng ngày còn thực hành nghề của mình. Dĩ nhiên là còn nhiều “món” nữa nhưng chắc bạn cũng biết thừa rồi. Bài này chỉ muốn tập trung vào những thứ mà cá nhân mình thấy ít ai để ý.

Điều thú vị nhất trong thao tác thu gom lưu trữ nguyên liệu (có vẻ chán phèo) này là:

Khi tích cóp đủ nguyên liệu, ý tưởng sẽ tự sinh ra.

Chắc bạn đang thấy nó ngược ngược. Phải có ý tưởng thì mới có nội dung, rồi tìm ví dụ dẫn chứng, tìm cách diễn giải… này nọ chứ. Đó là một cách. Một cách khác theo mình là “tự nhiên” hơn: nhìn ngắm kho đồ chơi của riêng mình mỗi ngày, bạn sẽ nhận ra những sự kết nối “mới”, vừa lạ vừa quen. Phải có lý do gì đó mà bạn mới hay thu gom những kiểu ví dụ nhất định. Cách bạn chia từng bước dự án để lưu cũng nói lên phần nào tư tưởng làm nghề, đối với bạn điều gì là quan trọng. Và nhờ vậy, học viên sẽ được đón nhận những nội dung hữu ích và không-đụng-hàng từ bạn.

Chúc bạn gặp được những người học siêng năng, như giảng viên của họ vậy.


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Create a website or blog at WordPress.com

%d bloggers like this: