Chuẩn bị cho những thứ không thể chuẩn bị.
Bạn có ráng chuẩn bị cỡ nào thì cũng có chỗ “sai” à, nên cứ thả lỏng hết sức có thể khi “điều ấy” đến.
🔥 giáo án
Nhìn kĩ nha, đốm lửa ở trước chữ “giáo án”, không phải ở sau hen. Ai sắp đi dạy cũng hỏi mình kinh nghiệm đối phó với việc này.
Để bạn an lòng thì việc cháy giáo án thật ra cũng có nhiều cái hay:
- Ít ra bạn không hụt nội dung, cái này kinh dị hơn. Giảng viên vẫn “còn nhiều” cái để nói thì vẫn tốt hơn là học viên thấy anh chị này “hết cái để nói”.
- Bạn “nhiệt” quá. Thường thì nội dung bị kéo dài hơn dự tính là do người giảng đắm đuối, chia sẻ bằng cả trái tim nên quên giờ giấc. Đang tính qua phần tiếp theo thì tự nhiên nhớ tới một câu chuyện, một dẫn chứng thực tế nào đó “hay lắm” không nói liền thì quên, nói thêm chút cho mấy bạn hiểu hơn.
- Học viên của bạn “nhiệt” quá. Không hiểu sao mọi người đón nhận cái bạn đang nói một cách hào hứng hơn bình thường, có thể do chủ đề gần gũi. Họ hăng say muốn hỏi thêm, muốn kể thêm chuyện của riêng họ là dấu hiệu rất tốt, tuy nó cũng ngốn thời gian kha khá. Hiếm học viên nào có khả năng kể chuyện gọn gàng và vào trọng tâm lắm.
Vấn đề này thấy vậy chứ thiệt ra khi đi dạy các lớp ngắn hạn cho người lớn thì không có ghê gớm như bạn nghĩ đâu. Chắc tụi mình đều còn ám ảnh việc dạy và học ở phổ thông, thầy cô phải rượt theo giáo án khá gắt gao do ai đó bắt phải dạy cho bằng hết.
Chẳng sao cả:
- Không kịp buổi này thì buổi sau giảng tiếp. Học viên không vấn đề gì đâu.
- Học viên không vấn đề gì đâu. Bạn không la làng “chái chái các em ơi” thì khả năng cao là học viên cũng không nhận ra! Cứ tỉnh cứ ngầu. Hôm sau mình dạy kiểu “bổ sung” hoặc “mở rộng vấn đề hôm trước” là được.
Một số kinh nghiệm:
- Tính trước nội dung nào có thể lược, hoặc cho học viên về nhà đọc nếu cháy giáo án. Nếu kịp giờ thì giảng luôn, nếu không kịp thì “Phần này mình soạn kĩ rồi để các bạn về nhà đọc vẫn hiểu. Nội dung này là về [sơ lược cho các bạn nắm], các bạn nhớ coi nha, có gì hôm sau vào sớm hỏi mình”. Quan trọng nhất trong câu văn mẫu vừa rồi là “hôm sau vào sớm” vì khả năng cao là người muốn hỏi không có vào sớm. Tránh việc hôm sau cháy giáo án, lửa lại lan như cháy rừng.
Ví dụ cái. Khi dạy mảng nội dung về “Thái độ khi viết” cho lớp Bếp Chữ hôm vừa rồi, thật ra mình đã dạy không kịp. Lý do là “anh thầy” nhiệt quá (xem lại phía trên). Có hẳn một chùm slide ở cuối về việc “Hỏi để vỡ ra thái độ cần có cho bài viết”. Phần này mình đã chủ động viết kĩ hơn ngay từ đầu, đọc là hiểu, nhất là với những bạn đã đi làm rồi.
Nói thêm là thời điểm vàng để biết mình có đang lấy giáo án để nhóm lửa hay không là sau khi đã dạy được 2/3 buổi học. Giả sử buổi này 3 tiếng, dạy từ 2g thì đến 4g chiều là bạn đã biết tốc độ đi bài hiện tại đang như xác sống Kingdom hay xác sống cù lao rồi. Hãy chú ý cột mốc này. Đôi khi chỉ cần tăng tốc chút, thực hành gọn chút là vẫn kịp. - Chỉ kể cái mình sẽ kể. Hồi đó mình cũng hay bạ đâu kể đó, nhớ là kể liền. Bây giờ thì mình kể “có kế hoạch” hơn. Ngay trong lúc làm slide, nếu mình tính sẽ kể gì thì mình tạo một slide ngay đó. Trống trơn, chỉ có một câu trong ngoặc vuông: [Kể chuyện mới vô nghề làm account]. Khi giảng đến slide đó thì mình kể, học viên thì cũng chỉ đọc được câu đó thôi chứ đâu lộ gì. Và mình sẽ chỉ kể chuyện ngoài lề mà mình đã ghi vào “trong lề” mà thôi. Nếu có nhớ chuyện khác, mình ghi chú lại, lớp sau sẽ kể, khi đã ghi vào slide là sẽ kể.
- Giúp học viên túm câu chuyện, tóm câu hỏi. Nếu bạn không tự tin với EQ của mình thì đây là một số câu văn mẫu tránh làm học viên tự ái:
- Mình thích những chia sẻ bộc bạch của bạn, nhất là trước cả lớp như thế này. Nhưng hiện tại mình chưa thấy CÂU HỎI Ở ĐÂY LÀ GÌ. Vấn đề bạn đang muốn hỏi mình là gì ta?
Học viên kể chuyện lan man là bình thường. Càng kể họ càng phát tiết cảm xúc và thêm vào nhiều nội dung râu ria, dẫn đến không rõ là đang kể cho vui hay đang hỏi. Bạn cần làm rõ lại. Nếu không là bạn cũng lan man theo luôn. Ngại nhất là sau khi mình trả lời đã đời cái người ta “Dạ, cảm ơn anh, mà cái em thắc mắc ở đây lại là [câu hỏi thật sự]”. Tứk tứk tứk. - Mình hiểu câu hỏi của bạn nhưng có vẻ nó đang hơi rộng. Bạn có thể liên hệ một chút với công việc của bạn để mình hiểu rõ hơn vấn đề được không? Vì sao bạn lại thắc mắc điều này nhỉ? Ví dụ thôi cũng được.
Đây là kiểu hỏi hơi “nguy hiểm” mà nhiều bạn đi dạy rất “ghét”. Mình cho cả lớp coi ví dụ một phim quảng cáo của Snickers ở nước ngoài để rõ hơn về khái niệm Insight – huyệt tâm lý. Bạn ấy hỏi mình về chiến lược toàn cầu, doanh số và thị phần của Snickers. Rồi hỏi là sao coi ở nước này thì họ nói kiểu này, nước kia lại kiểu khác (mà thời điểm các chiến dịch cũng khác nhau luôn, nghĩa là không liên đới gì cả). Có thể gọi là kiểu “chưa học bò đã lo học chạy”, hỏi để chứng tỏ mình biết. Cũng không sao, mình không đủ hiểu biết (và ngây thơ) để trả lời “câu hỏi” này thì cứ nói là không. Nhưng nên hỏi lại để bạn thử liên kết với công việc hàng ngày của bản thân, để kéo cái câu này “xuống đất” hơn. Thú vị là có khi học viên tự nhận ra câu hỏi mình hơi vô thưởng vô phạt, và cũng có lúc họ nhận ra câu hỏi mà mình thật sự muốn hỏi. Biết đâu bạn ấy đang làm trong ngành hàng bánh kẹo và chỉ đang ráng “mượn” cái mình đang nói để hỏi về một lấn cấn nào đó thôi. Cứ bình tĩnh và trả lời gọn gàng vào đó là xong. - Câu hỏi của bạn thú vị nhưng có vẻ nó đang “chồng lớp” quá. Mình thử sắp nó lại như thế này hen [xếp xếp xếp]. Nếu đúng là vậy thì “thổn thức” lớn nhất của bạn bây giờ có vẻ là…
Học viên chỉ cần là người đi làm vài năm, va chạm thực tế rồi thì họ có một ề tâm tư muốn tìm cách gỡ. Điều này dễ dẫn đến kiểu câu hỏi “Trong công việc, em luôn không phân biệt được các khái niệm mọi người nói với nhau như concept, idea, platform… dẫn đến chuyện ý tưởng của em hay bị nói là “nhỏ” quá hoặc sai đề. Anh có cách nào để có thể trình bày idea một cách đơn giản và truyền cảm hứng, cho mọi người trong nhóm của mình đều hiểu không anh? Em chỉ có một câu hỏi vậy thôi ạ!”. Ừ, chỉ có một câu mà chồng chéo còn hơn Thương Ngày Nắng Về nữa. Lúc này bạn hãy chọn một điều quan trọng nhất và trả lời thôi, mấy vấn đề kia sẽ tự động kéo theo.
- Mình thích những chia sẻ bộc bạch của bạn, nhất là trước cả lớp như thế này. Nhưng hiện tại mình chưa thấy CÂU HỎI Ở ĐÂY LÀ GÌ. Vấn đề bạn đang muốn hỏi mình là gì ta?
Điều quan trọng nhất ở đây là bạn hãy từ tốn, và cho học viên một sự cảm thông nhất định. Tránh để họ thấy họ đang “làm phiền” hay “lấy giờ” của cả lớp. Họ sẽ có câu trả lời cho mình vào hôm sau, hôm kết lớp, qua email, qua zalo… Chỉ là chưa phải bây giờ.
Một số trục trặc bất khả kháng nữa như máy chiếu giận không thèm kết nối, người yêu giận seen tin nhắn, học viên tỏ thái độ bất hợp tác… đều có thể ảnh hưởng đến kế hoạch buổi dạy của bạn. Nhưng đảm bảo truyền tải đầy đủ nội dung của buổi học sẽ luôn là điều quan trọng nhất. Việc cháy giáo án sẽ luôn ám ảnh người mới bắt đầu nhưng mình tin bạn sẽ sớm kiểm soát được vũ trụ lớp học của mình.
Chúc giáo án 🔥
Leave a Reply