SÁNG TẠO TỐI DẠY 07 – CHÚ VOI

Điều gì làm cho những ngày chân ướt chân ráo bước vào lớp thiệt là đáng sợ, nhất là với các bạn chuyên gia? Bạn thử đoán xem.

  • Soạn bài không kĩ, không hay, làm học viên không hiểu, biểu tình chống đối ném đá u đầu…
  • Tự ti về ngoại hình, sợ bị học viên chê già quá xấu quá em không có cảm hứng học…
  • Cháy giáo án phừng phừng…
  • Học viên hỏi khó, không biết trả lời, quê quá xá quê. Tin tức lan truyền khắp các tỉnh thành làm thân bại danh liệt…
  • … [đây thật ra là dấu ngàn chấm, vì còn nhiều]

Trước “ngày ấy”, ai mà không run nhỉ. Bao nhiêu là viễn cảnh, mà không có cảnh nào tươi đẹp thanh bình trót lọt.

Tin vui là 99% mấy điều đó hiếm khi xảy ra lắm, học viên chứ có phải cộng đồng mạng đâu mà nhiễu vậy. Trừ khi bạn dạy cho những khóa học cỡ mấy ngàn đô, học viên toàn con ông cháu cha hay giám đốc của giám đốc.

Đây mới là điều làm cho người mới đi dạy khớp thật sự, và ngặt một cái là nó chỉ diễn ra vào khoảnh khắc bạn bước vào lớp thôi:

Cảm giác như chú voi trong rạp xiếc.

Hàng chục đôi mắt dán vào mình. “Đôi” nào cũng đơ đơ, chứ nếu chứa chan hi vọng thì còn đỡ. Những đôi mắt đó tiếp tục không rời khỏi bạn, từ lúc bạn chào cả lớp, ngồi xuống ghế, cắm máy và kết nối máy chiếu, mở slide đầu tiên lên… Bạn hỏi những câu đầu tiên (với nụ cười trên môi) và các đôi mắt bắt đầu lảng tránh, tóm lại là không khí chẳng hề sôi động như bạn mong đợi. Bạn thấy mình lạc lõng khủng khiếp, giữa hàng chục người trố mắt nhìn “chú voi này sẽ diễn trò gì”. Phòng nhiều người, nhưng không phát ra âm thanh. Bạn khớp vì không nhận được tương tác. Đó mới là sự khó chịu thật sự.

Trước khi đến với giải pháp, mình nói một chút về “lỗ hổng” trong việc chuẩn bị tâm lý trước buổi dạy đầu tiên. (Lại) đố bạn, khi bạn đi tâm sự với bạn bè đồng nghiệp về nỗi lo trước ngày dạy, họ sẽ “động viên” bạn bằng câu nói nào? Trong hiểu biết của mình, mình đã nghe hơi bị nhiều câu này:

“Ôi xời, chị lo làm cái gì. Chị nghĩ coi, thuyết trình trước cả phòng Marketing, rồi với Ban Giám Đốc, “mười mấy người đàn ông giận dữ” mà chị còn vượt qua được, ai cũng nghe chị mà. Mấy đứa sinh viên đó là nghĩa địa gì chị ơi. Nghe em đi, không có gì phải sợ cả!”

Chết là chết ở chỗ đó. Đừng “nghe em đi”, hãy nghe Sơn nè.

ĐI CHIẾN ĐẤUĐI GIẢNG DẠY
Khách hàng bước vào phòng họp với tâm thế nghe xem bạn sẽ trình bày gì. Họ đang muốn tìm giải pháp cho vấn đề của họ. Họ mong là bạn có giải pháp.Nếu bạn nghĩ 100% học viên đều vào lớp với tâm thế “muốn học”, bạn hơi… đãng trí. Bạn đã quên mất thời sinh viên của mình.
Hiếm khi bạn đi một mình.Bạn đi một mình.
Khi nói, bạn hoàn toàn có thể tập trung vào một người. Người đó có thể là sếp – ra quyết định cuối cùng, hoặc một bạn khách mà bạn cảm thấy an toàn. Bạn biết ai quan trọng trong cuộc họp để mà “nhìn vào”.Mọi thứ quá dàn trải. Bạn không biết phải “nhìn vào” ai. Ai cũng như ai. Bạn dễ lúng túng nếu chưa có kinh nghiệm.
Khách hàng “biết” tấn công. Thậm chí có khách quạu còn cắt lời bạn nữa. Thấy vậy chứ ít ra cũng là có tương tác. Chí ít họ xoáy vào điểm nào thì bạn biết đường mà đỡ, phản hồi ngay trên điểm đó. Không ai “dám” cắt lời bạn đâu. Họ chỉ phân tâm, coi điện thoại, ngáp, nhìn nhau kiểu gửi-tin-nhắn-bằng-ánh-mắt thôi. Bạn hỏi, không ai trả lời. Bạn dạy xong, mọi người lẳng lặng đi về. Bạn không biết vấn đề nằm ở đâu.

Giải pháp:

  1. Sẽ khá đơn giản nếu bạn chỉ là một trong số giảng viên đang dạy lớp đó thôi. Trước buổi giảng của bạn, hãy xin được vào lớp chào hỏi một chút. 5 phút cũng được. Mình thì hay ngồi từ đầu buổi học, như giảng viên dự giờ. Cuối buổi thì nhờ giảng viên chính giới thiệu mình vài câu. Mọi người thường sẽ vỗ tay hoan nghênh bạn, bạn nói vài câu hớn hở với mọi người. Vậy là xong, áp lực đã giảm nhiều cho buổi dạy đầu tiên của bạn.
  2. Tự dặn lòng “Lớp này cần mình”. Không phải chỉ để lên tinh thần thôi đâu, sự thật nó là vậy. Giờ nghĩ thử ha, bạn quýnh quáng lên, căng thẳng, sợ sệt thì cũng đâu có giúp ích được gì cho cả lớp. Tất cả những gì bạn đang có là đủ rồi, hãy bình tĩnh làm việc của mình. Mình còn nhiều lớp nhiều buổi phía trước để rút kinh nghiệm. Một buổi dạy không làm nên mình, chưa kể lần đầu thì ai cũng có va vấp cả, kể cả người viết bài này. Bạn càng mất tinh thần thì học viên chỉ có càng thiệt thòi hơn thôi. Bồi thêm một câu nữa “Phải có lý do thì mình mới được đứng ở đây, còn tụi nó ngồi ở dưới!”. Dĩ nhiên mình sẽ viết về việc tương tác, khuấy động, đặt câu hỏi… sao cho hiệu quả, dâng cao bầu không khí ở những bài sau vì nó là chủ đề bự.
  3. Thủ thuật nhìn xa nhìn gần. Cái này thì chắc nhiều người biết rồi. Tập trung vào một điểm xa xa, thường là bức tường. Hoặc hướng về đúng một vài khuôn mặt có vẻ dễ thương, đang chú ý đến mình, thường là ở hàng đầu. Điểm yếu của nhìn xa là nếu bạn cứ nhìn vậy hoài thì dần dần học viên cũng sẽ thấy bạn “kì kì” và họ sẽ sao nhãng. Điểm yếu của nhìn gần cũng y chang vậy, đứa bị nhìn cũng sẽ thấy ngại ngại, mấy bạn còn lại cũng thấy “kì kì”. Thôi tùy bạn pha trộn lúc xa lúc gần cho nó cân bằng.

Mình nghĩ điều quan trọng nhất của bài là bạn biết trước Cảm Giác Chú Voi. Chuẩn bị được nhiêu thì chuẩn bị, còn không thì thật ra sự lóng ngóng và khó chịu đó cũng sẽ là kỉ niệm đẹp cho bạn. Và cũng là của học viên luôn, họ cũng “hồi hộp” chờ bạn đến mà. Bây giờ rành rọt rồi thì đôi khi mình lại thấy “nhớ” những sự bất ngờ đó. Tặng bạn một “chú voi” để không cảm thấy cô đơn nhé:

“Em tưởng Sói Ăn Chay phải dữ dằn, hét ra lửa. Em sợ lắm. Ai dè anh bước vô lớp, bề ngoài, cách chào hỏi không thể giản dị hơn. Em thấy anh cũng như mấy ông IT công ty em thôi!”


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Create a website or blog at WordPress.com

%d bloggers like this: