SÁNG TẠO TỐI DẠY 08 – NĂN NỈ

Người ta thích tìm hiểu nghệ thuật làm giàu, nghệ thuật lên xu hướng, nghệ thuật thao túng tâm lý, tung tháo sinh lý… Mình thì chỉ rành nghệ thuật… năn nỉ. Đi giảng dạy toàn tung chiêu năn nỉ học viên.

Ban đầu mình nghĩ là người chưa biết gì sẽ có nhiều nỗi sợ hơn khi tiếp xúc với mảng kiến thức mới. Té ra là không, người đã đi làm cũng vẫn sợ. Họ có kha khá cái để mất. Mất mặt nếu học chung với đồng nghiệp, nhưng dù đi học một mình thì vẫn không muốn “mất mặt” khi trả lời sai. Ngộ vậy đó, đi học mà siêu bị áp lực bởi việc biết đúng và làm đúng. Chắc có thể do guồng máy công việc gò họ quá lâu rồi, sợ sai hơn cả sợ chết. Điều này dẫn đến nhiều sự rụt rè tương tác, nhất là ở những buổi đầu chưa ai “rõ” ai.

KHUYẾN KHÍCH HỌ DÁM SAI

Trường hợp tiêu biểu, bạn hỏi cả lớp một câu, rồi sau đó mọi người im ru. Bạn dùng câu kinh điển của thầy cô “Không sao đâu các bạn, mạnh dạn lên!” và dĩ nhiên không ai mạnh dạn cả. Đâu phải còn ở thời phổ thông, người ta nói rồi bạn quýnh giá thì sao? Ai “dạn” thì đã phát biểu nãy giờ rồi. Những người đã đi làm thì lại hay có tâm lý “thôi để tụi nhỏ phát biểu đi, mình lớn rồi”, dù họ cũng không chắc chắn lắm với câu trả lời trong đầu mình.

Hãy tung câu này:

Vậy mọi người cho mình 3 câu trả lời sai đi!

Mọi người sẽ cười, không khí giãn đi một chút. Đã bung câu này ra rồi thì thiệt ra bạn có thể hiên ngang hỏi đại một bạn “Em em, cho anh vài câu trả lời sai của em đi, nãy giờ anh ế hàng quá không ai cho anh miếng trả lời nào hết!”. Việc bạn ấy nói sai hay đúng hoàn toàn không quan trọng. Điều quan trọng là bạn đã cho lớp một không khí thoải mái hơn, và họ thấy người giảng viên này thực sự muốn nghe họ, đúng sai từ từ tính. Giả sử câu trả lời có ngô nghê đi nữa, mình tin bạn dư sức “lái” nó sang ý đúng đồng thời ngợi khen “Nhờ câu trả lời này, mọi người hiểu rõ hơn về câu hỏi cũng như bài học, cảm ơn bạn!”. Nếu bạn chân thành, lúc này sẽ xuất hiện một vài cánh tay khác giơ cao.

KHUYẾN KHÍCH HỌ DÁM NÓI

Bạn mở một cái gì đó hay lên cho cả lớp coi và hỏi ý kiến mọi người. Chuyện gì xảy ra nếu như có một ai đó không phát biểu, nhưng ánh mắt thì như-đang-muốn-nói-gì đó? Trong lúc dạy, mình đặc biệt khoái nghe ý kiến của những đôi mắt này, thường sẽ “lạ”. Khả năng cao là người ta băn khoăn sao suy nghĩ trong đầu họ khác với các học viên còn lại quá, sợ nói thì bị trật quẻ, giảng viên buồn, bạn bè xa lánh…

– Bạn đang muốn… nói gì phải không?

– Dạ không ạ (cười cười)

– Bạn có thích video vừa mở không?

– Dạ… thú thiệt là em thấy không thích lắm… Em không biết nữa, em thấy ý tưởng này cũng thường.

– Ok không sao cả, đâu có ý tưởng nào chinh phục được 100% mọi người. Mình tò mò thôi, mình biết bạn không thích video này rồi, thậm chí ngược lại. Bạn có thể cho mình biết một điều bạn ĐỠ GHÉT NHẤT ở video này không?

– [cả lớp và bạn bật cười] Dạ, nếu vậy thì em thấy diễn xuất của diễn viên chính khá là…

Tương tự, cách nói này cực kì phù hợp khi bạn yêu cầu học viên bình chọn trên những ý tưởng có sẵn. Một bạn nào đó bỗng nói là họ ghét hết cả 3, họ không bình chọn thì có được không. Kiểu nói “năn nỉ” như ở trên sẽ giúp phá tan lớp phòng thủ đó. Chúng ta vẫn luôn tôn trọng ý kiến và gu của mỗi người, chỉ là một số bạn thường hơi “căng” không cần thiết. Nếu được ta nên giúp họ giãn ra tí tẹo. Một điều nữa mình thích ở cách nói này là nó cho học viên thấy một khi bạn đã đặt ra một vấn đề thì bạn sẽ bằng mọi giá muốn nghe phản hồi, ý kiến cỡ nào của học viên bạn cũng sẽ lắng nghe.

Còn nếu bạn đang thắc mắc là làm sao để “thấy” được những ánh mắt không-nói-nhưng-đang-muốn-nói đó thì… chịu nha. Chắc tùy cảm giác đứng lớp của mỗi người.

KHUYẾN KHÍCH HỌ DÁM LÀM

Thường đã đi học thì ai cũng hiền hòa, cởi mở, nhưng cũng không tránh khỏi một kiểu học viên như sau. Họ có nhiều kinh nghiệm chiến trường, họ đã rành rọt với cách làm được chỉ dạy từ công ty họ yêu thương, từ người sếp họ kính nể. Khi bạn ra một cái đề bài và hướng họ theo một cách xử lý – cách làm hoàn toàn khác thì họ không muốn làm. Vốn liếng bên trong họ “bảo” với họ rằng cách này không khả thi, cách này đơn giản quá, “công ty mình không đời nào làm cách này”… và nhiều định kiến khác. Thậm chí có khi cũng làm, nhưng làm theo cách của họ chứ không phải cách bạn đang bày. Thoạt tiên thì thấy cũng không sai, miễn giải quyết được thử thách đang đặt ra thôi. Nhưng khả năng cao là sau đó người đó không theo được những thao tác tiếp theo ở những buổi sau nữa, và thế là họ bị “văng” ra khỏi lớp, dù đang ngồi chình ình đó. Càng học họ chỉ càng “củng cố cách làm cũ” trong quá khứ.

Nghệ thuật năn nỉ mấy bạn này:

  • Trường hợp 1, bạn đó chưa làm thử cách mới:
    Mấy năm qua bạn làm cách đó và thấy rất hiệu quả, nếu vậy thì nó đúng là cách làm tốt rồi, mình không hề nghi ngờ gì cả. Còn cách mới này, bạn đã thử qua lần nào chưa mà thấy nó không hiệu quả bằng? Bạn cứ thử một lần xem, nếu nó không xịn bằng cách bạn biết thì bạn sẽ càng thấy được cái hay của cách cũ. Còn nếu nhận ra cách mới này ồ “cũng được” hen thì bạn có thêm một món đồ chơi tư duy nữa, khi nào cần thì lôi ra xài cho nó phong phú cuộc đời hành nghề. Chỉ vậy thôi.
  • Trường hợp 2, bạn đó đã làm cách này trong quá khứ rồi và thấy nó không có gì đáng để thử lại:
    Nếu bạn đã từng làm kiểu này rồi và thấy nó rối rắm này nọ quá thì mình cũng hoàn toàn hiểu. Nhưng bạn biết lúc đó bạn “thiếu” gì không? Đó là MÌNH (giảng viên) nè! Và các bạn học chung nữa nè! Bạn cứ thử làm lại đi, với các bước như mình đang dẫn dắt, thấy cách các bạn khác vận dụng nó thì bạn sẽ thấy nó rất khác. Cách làm này có ưu điểm của nó, có sự phù hợp nhất định của nó. Không phải tự nhiên mà mình lại dạy nó, nên… bạn cho nó một cơ hội đi!
  • Trường hợp 3 (cũng là cực đoan nhất), họ thừa biết công ty hoặc khách hàng của họ không đời nào chịu cách làm này!
    Đời đi làm đâu phải chỉ chôn chân ở một công ty. Bước vào một cái lớp là để phát triển bản thân, là cái nội lực của mình. Nếu không có ai giống ai thì cũng không công ty nào có cùng cách làm với công ty nào, và cũng không có khách hàng nào là hoàn toàn y chang nhau cả. Môi trường này là nơi tốt để bạn thử nghiệm cách mới, có giảng viên và bạn học mà thôi, sai không chết. Và biết đâu một ngày nào đó một tuýp khách hàng khác sẽ xuất hiện trong đời bạn thì sao?

Tùy vào cá tánh đại dương cho, mỗi giảng viên sẽ có kiểu năn nỉ khác nhau. Người thì “năn nỉ” như dằn mặt, mình thì năn nỉ với cái nghĩa đen của từ này, thêm ánh mắt long lanh nữa thì 99% học viên sẽ “xìu” thôi. Chỉ cần học viên thấy nội dung bạn đang bày ra là hữu ích thì những lần sau sẽ ngọt hơn rất nhiều. Bằng không thì cũng chẳng có chiêu thức gì gỡ gạc được cả.


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Create a website or blog at WordPress.com

%d bloggers like this: