TTST 04

Mình viết quảng cáo nhiều, lúc rảnh thì mình viết cho những người thích hoặc đang làm ngành quảng cáo. Cụ thể là đã ra mắt được quyển Ý Tưởng Này90-20-30 nên cũng được gọi là nhà văn ngành. Qua những chia sẻ của mình, mọi người thường có hai luồng ý kiến. Một là anh này yêu ngành quá và hai là thằng cha này chắc xạo xạo, có nhiều cái không hay ổng không viết ra thôi. Cái một thì mình đính chính là mình tôn trọng và quý mến quảng cáo thôi, cái mình yêu say là sáng tạo. Dù chỉ là một giây ý tưởng lóe lên thì mình vẫn ôm vào mà yêu. Cái hai thì chắc là đồn đại từ những người chưa đọc sách, hoặc đọc mà như lướt Face. Quảng cáo chẳng là cái nghề cao quý đại tôn gì mà cần một gã copywriter như mình đánh bóng. Những cái chán đời mình đã chia sẻ kha khá trong hai tác phẩm đó rồi, thậm chí còn trong các bài viết cho báo Gam7. Bây giờ mình giới thiệu thêm cho các bạn dự án tiền thân của hai quyển sách đó nhé, nhân dịp máu hôm nay chỉ 12 thôi.

Sau khi hoàn thành dự án 01 Những Chú Mèo Hạnh Phúc, mình bỗng muốn làm truyện tranh về ngành quảng cáo. Đơn giản là mình thấy ngành có nhiều cái “mắc cười” mình không lý giải nổi. Giai đoạn này mình chưa tròn 2 tuổi Cáo nữa nên có lắm thắc mắc không biết hỏi ai. Thiệt ra là có người để hỏi mà câu trả lời của họ chưa làm mình thấy tới tận cùng. Hoặc thắc mắc đó xuất nguồn từ ngay chính mấy người lớn ấy, gan trời cũng không dám hỏi. Vì sao mấy chị account lại làm vậy làm vậy, vì sao bác CD lại ứng xử thế kia, planner có vai trò gì mà sao họ có quyền hơn cả CD vậy, client có phải lion không mà họ nhăn mặt thôi thì mình phải đập đi làm lại, phải thức đêm thức hôm chỉnh sửa? Thời đó tuyệt nhiên đâu có page, group, meme miếc gì mà xả.

Lý do thứ hai thúc mình làm truyện tranh là… chưa ai làm! Ngốk nghếk thật.

Những năm đầu mình đọc sách cực nhiều, cuốn sổ mượn sách của công ty lúc đó chỉ có đúng tên mình, đầy tên mình. Mình mượn nhiều đến mức chị tiếp tân (kiêm luôn phụ trách tủ sách) còn nói là chắc chị phải đem sách quảng cáo về đọc thử coi thế nào chứ thấy em mượn quá trời chị sốt ruột quá, “bộ hay lắm hả em?”. Rất may cho chị là chị nói chơi thôi chứ không làm. Đọc nhiều là thế, tác động nhiều đến mình nhất lại là những “quyển” này:

Giờ nhìn lại thì đã bỏ cuộc chơi hết 2/3 rồi. Đi mà không rủ.

Dự án nhúc nhích với phần lên hồ sơ các nhân vật, đa phần là dựa trên nét tính cách của các anh chị xung quanh. Lúc đó mình gửi gắm nhiều hi vọng lắm (thứ duy nhất đang có nhiều). Nào là nó sẽ trở thành truyện tranh open-source cho mọi người tự tạo câu chuyện của riêng mình. Ta sẽ nổi tiếng, thậm chí còn được đề nghị làm phim, rồi thành công bùng nổ phòng vé rồi đưa ra tòa kiện tụng vì chia chác không đều… Và vì nghĩ là sẽ làm truyện nhiều tập nên mình xây quá trời nhân vật. Ở đây chỉ trích ra khoảng phân nửa thôi (mà còn chưa xài hết trong tập đầu tiên):

Ra trường xong là làm ở công ty nước ngoài nên gần như cả ngày chỉ viết tiếng Anh, lúc đó thiệt ra cũng chưa mến tiếng Việt như giờ đâu.

Về hình ảnh, mình tiếp tục làm với bạn illustrator của dự án Mèo Hạnh Phúc. Nay sẽ gọi bạn ấy là comic artist nhá! Và đây cũng là lần đầu vẽ truyện tranh của bạn. Ta cứ chơi thôi, có mất gì đâu. Những hình ảnh đầu tiên, cô account nóng bỏng (thời đó còn trẻ dại, mấy bạn account nữ xin đừng ác cảm) và bác CD già lười biếng hay tranh công:

Song song với nhân vật, mình “bày” ra một món nữa làm khổ illustrator: vẽ văn phòng agency! Mình mê trò Resident Evil từ hồi cấp 2 nên mình muốn có một “phối cảnh” xịn để sau này còn làm tiếp mấy tập tiếp theo nữa chớ, rồi để lúc dựng thành phim không bỡ ngỡ nữa chớ, sợ tới lúc đó mới tính rồi làm hổng kịp thì xaooo! Ôi…

Và đây cũng là lần đầu bạn ấy vẽ phối cảnh.

Trong cái hình trên là tất cả những gì mình mơ ước ở một agency, tham khảo từ văn phòng của các công ty quảng cáo lớn trên thế giới mà mình đang ngưỡng mộ. Mình đã thực sự nghĩ là mình có thể mở một agency to đến thế đó! Đặt tên công ty này là TBWK vì ước mơ khiêm tốn được làm cho TBWA (New York) và Wieden+Kennedy (Portland). Đến hôm nay mình vẫn theo dõi và đưa khá nhiều các dự án của WK vào lớp Sáng Tạo A Bờ Cờ của mình.

Về mặt nội dung, mình chọn câu chuyện pitching – một cuộc tranh tài sáng tạo để giành khách hàng của TBWK. Với mình lúc đó thì pitching luôn đầy thách thức, là dịp để tung hàng khoe của những ý nghĩ thú vị nhất. Áp lực căng thẳng còn là dịp để ta thấy được tâm tính của nhau rõ hơn. Tập đầu tiên nên gắt như vậy để còn hấp dẫn các film producer. Ngoài ra, mình vừa nhận được kết quả của trận pitch đầu đời. Rớt.

Tóm tắt tập 01 (và cũng là tập cuối):
Trước giờ pitching, lão CD bỗng đòi bán lại một idea cũ, chỉ cần thay logo khách hàng vô thôi. Điều này làm cặp creative (copywriter và art director) rất bất bình. Lão CD gặp tai nạn và không đi thuyết trình được nên hai bạn creative này đã tranh thủ giấu nhẹm ý tưởng bậy bạ đó đi. TBWK thắng pitch, còn bác CD thì thề sẽ trả thù cái cặp đôi trời đánh này.

Cho các bạn coi một vài trang mình khoái:

Tập này 18 trang, cho bạn xem 4 trang thôi. Ai quen thì email năn nỉ mình đi mình gửi cho coi đầy đủ.

Sau 6 tháng thì hoàn thành dự án. Thật ra không phải do viết và vẽ gì ghê gớm tốn thời gian (dù cũng tốn) mà là việc ở công ty nhiều quá. Làm đêm và làm cuối tuần tưng bừng nên dù có dôi ra chút thời gian thì đầu óc chỉ muốn vui chơi thôi. Có trang đã xong hơn 2 tuần rồi mà mình vẫn chưa phản hồi hay viết thoại.

Mình hân hoan in ra mấy chục bản (một lần nữa, bằng máy in công ty) rồi đem tặng lòng vòng mọi người. Lúc đó mình đã có một niềm vui “xuất bản ấn phẩm” là nhìn các đồng nghiệp cầm nó trên tay, lật lật, bật cười khả ố. Mình chỉ không ngờ là mấy năm sau thì niềm vui đó nhân lên gấp ngàn lần thôi, lúc mình ra sách.

Những điều mình học được

  • Dự án dài hơi, deadline lại không rõ ràng thì việc động viên đồng đội là rất quan trọng. Nếu là dự án ở công ty thì khỏi nói rồi, bằng mọi giá phải xong. Dự án cá nhân dễ rớt nửa chừng lắm. Hẹn cà phê tỉ tê, tặng sách, gởi thêm tài liệu… là những thứ duy nhất mình biết làm lúc đó, may là cũng hiệu quả.
  • Gởi tiền dần dần, không gởi hết cả cục. Người ta nhận sớm sẽ xài hết sớm. Khi đó quãng đường còn lại đối với họ là “kéo cày”, họ thấy mệt như làm job công ty vậy, dễ nản!
  • Trước khi bắt tay, mình đã có một suy nghĩ tầm bậy là làm truyện tranh sẽ rất “nhàn” vì đã quen làm storyboard phim quảng cáo ở công ty rồi. Trời đất ơi không có đâu bà con cô bác ơi! Storyboard trong agency chỉ là trò con nít. Mạch kể, nhân vật, chi tiết, thoại… thể hiện qua từng khung truyện, trang này sang trang kia đều đòi hỏi sự tính toán nghiêm túc. Dù ta ngấu nghiến truyện tranh nhiều thế nào đi nữa thì khi tập tành làm đều sẽ vô cùng nhức đầu.
  • Dù kịch bản hay cách mấy, người vẽ vẫn quan trọng hơn một chút. Mình cần phải lắng nghe và dám tin vào những gợi ý từ phía họ. Chừa cho họ không gian vùng vẫy.
  • Kịch bản hay phụ thuộc rất nhiều vào cách xây dựng chiều sâu nhân vật. Mình đã không biết điều này nên hệ thống nhân vật bị mỏng. Riêng điều này thì về sau khi đi học mấy lớp biên kịch mới nhận diện rõ.

Những lời chê hiu hiu

  • Nhân vật giống nhau quá, coi một hồi phải lật lại xem ai là ai.
  • Chưa có cao trào rõ ràng.
  • Tăm tối quá, “sao em mới đi làm mà đã nhìn ngành mình vậy rồi!”

Hên là vẫn có những lời khen (chắc khen thiệt)

  • Kick ass man! So true to our Adv life!
  • Ai cũng thích coi truyện tranh mà, có hình là vui rồi, đọc chữ mệt thấy mẹ! Làm tiếp tập sau lẹ lẹ nha.
  • Tuy là góc nhìn của junior creative thôi nhưng một số anh chị lâu năm vẫn thấy nó rất đúng với kinh nghiệm chinh chiến với ngành với người của họ. (Và vẫn đúng tới bây giờ, năm 2021 theo góc nhìn của mình)
  • Rất nhiều người khoái ở chỗ chửi xéo CD và khách hàng. Thiệt tình!

Hôm nay ngồi xem lại mình vẫn thấy

  • Vui ơi là vui hahaha! Tự làm, tự coi lại rồi tự cười luôn hố hố!
  • Tuy vẽ trắng đen nhưng không hề thiếu cảm xúc. Mà hình như nhìn tàn tàn vậy mà ra chất mầm non hơn.
  • Không muốn sửa câu chuyện, dù đôi chỗ hơi ngô nghê và đơn giản quá. Mình cũng chả nhớ chính xác là lúc đó trăn trở những điều gì mà tạo nên những tình huống có phần hơi quằn này.
  • Không muốn làm tiếp nữa vì còn quá nhiều ý tưởng dự án cá nhân mà mình muốn làm. Xin lỗi bạn truyện.

Ứng dụng vào nghề

  • Phải có bối cảnh rõ ràng để người xem hiểu họ đang ở “vũ trụ” nào. Trong truyện tụi mình đã không chú ý đến kĩ thuật này dẫn đến việc đã về lại công ty TBWK rồi mà người đọc vẫn tưởng đang ở văn phòng khách hàng, phải lật lại trang trước đọc kĩ lại rồi suy ra thì mới hiểu. Trong công việc lẫn đi dạy mình đều dặn các bạn phải chú ý đến bối cảnh, viết kịch bản phải rõ điều này ra dù viết dài chút cũng được.
  • Viết thoại cho 18 trang truyện tranh đã bật ý thức của mình về sự kết hợp của chữ và hình. Không để nó trùng hoặc không cộng hưởng gì với nhau. Ở công ty sếp chỉ nói “don’t show and tell” nha em, khách hàng thì cứ nói là sao thoại này chán quá vậy em nên mình cứ cuống cuồng mà sửa chứ chưa hình dung được lắm. Sau đó thì trình viết voice over và super cho phim quảng cáo của mình được cải thiện hẳn, khách hàng chê nhẹ hơn.
  • Để kiểm tra một mạch kể có hợp lý chưa, hãy đọc ngược. Một anh họa sĩ đã chỉ cho mình cách này khi mình bạo dạn đem cho ảnh đọc. Hồi đó thì có cái tôi cái tiếc gì đâu, thấy anh này đến công ty nhận job vẽ storyboard thì nhờ ảnh coi qua. Ảnh lật ngược từ cuối đến đầu truyện rồi nói “ổn rồi, anh hay lướt ngược vậy để kiểm tra có chỗ nào bị gãy không, đọc xuôi mình khó nhận ra lắm, vì mình hiểu nó quá rồi!”. Đến nay mình vẫn giữ thói quen đọc ngược các bài thuyết trình và kịch bản, rất hiệu quả. Mỗi khi bạn sáng tạo điều gì có liên quan đến mạch kể và trình tự, bạn hãy thử dùng cách này.

Bài học lớn nhất mà dự án này đã cho mình

Đừng cố tìm những câu chuyện cao siêu, bạn cứ kể câu chuyện xinh xẻo của chính mình, là đã đủ sức mạnh rồi.

Mình tự hỏi phải chăng đây là những khung truyện đã tạo đà cho quyển Ý Tưởng Này? Và kế đến là 90-20-30? Thật lạ là mãi đến lúc cầm quyển 90-20-30 trên tay mình mới sực nhớ về tập truyện tranh nhỏ này. Trong hai năm viết sách mình không lúc nào nhớ đến. Mình đã đắn đo khá nhiều trong việc quyết định vẽ những trang truyện tranh ngắn trong sách vì sẽ tốn thời gian, tiền bạc và cả nhân lực. Mình vẫn quyết làm vì có những bài học không liên quan trực tiếp đến chuyên môn, nếu viết ra quá nhiều sẽ thành “dạy đời” và “đạo lý”. Ngôn ngữ hình ảnh của truyện tranh sẽ truyền tải những bài học một cách cô đọng và sinh động hơn. Có nhiều bạn đã mua 90-20-30 chỉ vì có “nhiều hình hóm hỉnh”, chắc là mình đã đúng.

Nhìn lại ngày tháng mấy cái file truyện này mà giựt mình, 10 năm đỏng đảnh trôi qua. Góc nhìn của mình về ngành nay đã thay đổi rất nhiều, nhất là về tương quan với các marketer. Ngày xưa yêu ghét lẫn lộn, và ngày nay cũng vậy. Cái khác chỉ là mình đã bình tĩnh hơn để đón những yêu ghét lẫn lộn ấy. Vẫn còn những cảnh giới của truyền thông và sáng tạo mình chưa chạm đến được.

Cảm ơn ba mẹ đã cho con tiền mua truyện đọc.

Cảm ơn công ty đã trang bị máy in.

Cảm ơn quảng cáo đã sáng tạo nên một con Sói Ăn Chay.


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Create a website or blog at WordPress.com

%d bloggers like this: