Hồi lâu rồi, mình nằm mơ thấy chữ GIỚI HẠN. Nó y như một con người, hớt ha hớt hải chạy trốn khỏi đoàn người đang truy đuổi. Người ở đây không hiểu sao toàn là mấy sản phẩm, thương hiệu, ai cũng đằng đằng sát khí. Nghe những tiếng thét:
Phá tung giới hạn, đập bỏ giới hạn, phá tan mọi giới hạn cho tao! Nó đâu rồi, mới thấy đây mà! Vượt qua giới hạn, bỏ giới hạn lại phía sau, giới hạn đếk là khỉ gì cả aaa!
Như một màn đòi nợ tập thể, chỉ là GIỚI HẠN không có vẻ gì là đã mượn nợ. Nếu được biên tập giấc mơ, mình sẽ hé cửa, nắm tay em GIỚI HẠN lôi vô nhà. Đợi cho tiếng tru tréo man rợ xa dần, mình nói với em nó là:
Hồi đó mình cũng ghét cậu y vậy, giờ đỡ hơn rồi.
Giới hạn chẳng có gì sai, nó là chính mình của hiện tại. Một câu khác thay thế là “get out of your comfort zone”, cũng càng lúc càng nhàm trong mắt mình. Ngoài kia, trong những ngày này, có những người chỉ mong một cái zone như thế mà không có.
Dự án cá nhân là cách tốt nhất để mình tự kéo giãn giới hạn, để “nong” cái thế giới của mình ra một chút. Một chút thôi là đã đủ khó và đủ xứng đáng để vượt qua cái khó đó rồi.
1. Dự án cá nhân và những thế giới
Càng làm lâu ở một vị trí ta sẽ càng tinh, tốc độ xử lý vấn đề nhanh hơn, chất lượng cũng vậy. Nhưng lâu hơn tí chút ta lại bị trì, thấy mình cũ cũ. Hoặc tệ hơn là không nhận ra luôn! Tưởng mình là chuyên gia trong một lĩnh vực, ai dè “lĩnh vực” đó giờ chỉ còn là một chiếc lá, gió lay nhẹ là xuống giếng.
Cụ thể vị trí Creative trong ngành Truyền Thông đi, một năm trời ta thật sự chạm đến bao nhiều ngành hàng khác nhau, thực sự hiểu tâm can bao nhiêu tệp người tiêu dùng? Mà có hiểu thiệt không hay trùm bao bố bằng mấy cụm kiểu “Progressive Millenial”, “Opportunity Seeker”… ? Ra được bao nhiêu kiểu idea, lưu ý là “kiểu idea” chứ không phải số lượng idea. Và ta được cộng tác với bao nhiêu anh em sáng tạo, nghệ sĩ ở những ngành và phân ngành khác?
Đó là lý do mình thích dùng solo project để khám phá những thế giới sáng tạo gần quanh. Mỗi ngành có cái hay, dở riêng. Và biết đâu bạn “phát hiện” ra một vùng trời khác phù hợp hơn để góp ý tưởng. Điều quan trọng là:
Khi làm xong, bạn đừng cho phép mình nghĩ đã “biết hết” nó rồi.
Đây là bệnh của một số người, trong công việc đụng chút tới cắt ghép giấy nghệ thuật, làm việc với vài nghệ nhân là mặc nhiên cho mình cái quyền “đã biết” về Paper Art. Đánh giá lên, xuống. Mỗi ngành sáng tạo đều có cái hay, dở riêng, và con người trong đó cũng vậy, y như chúng ta thôi. Đang có khá nhiều bạn creative cho rằng mình “hơn” anh em ngành phim. Đơn giản qua những trải nghiệm quay TVC, ngồi phòng hậu kì chỉ chỉ comment còm mên này nọ. Vậy là cho rằng mình hơn người ta, chi vậy trời? 30 giây, 1 phút quảng cáo dở òm mà bạn cho là lớn hơn ông trời đó đôi khi chỉ là job kiếm cơm của họ thôi. Hãy quan sát học hỏi, lấy những cái nhìn mới mẻ từ những người làm nghề nghiêm túc đó và đối chiếu với công việc của mình, biết đâu lại nảy ra những cách làm mới.
Qua những dự án riêng, đến nay mình đã va chạm với các thế giới:
- Truyện tranh
- Lịch sử
- Xuất bản
- Giáo dục
- 3D
- Typography
- Merchandise
- Illustration
- Phim
- Nhảy múa
- Nhiếp ảnh
- Âm nhạc
- …
Và mình tự hào là đã “hiểu” được 1/1000 bản chất công việc của họ, những khó khăn họ phải vượt qua. Xét riêng về sáng tạo thì còn 999 phân ngành, phong cách, hình thức thể hiện… để mình khám phá khi vẫn còn hít thở ở cái mảnh đất này. Thế giới quan của mình được nới ra ngoài Quảng Cáo. Bước ra khỏi nhà có nhiều cái cho mình để ý hơn, cũng như suy xét ý tưởng bằng vài cặp mắt khác, không chỉ của một copywriter.
2. Dự án cá nhân và những con người rất đáng để thân
Những bạn làm sáng tạo thường sẽ chơi với nhau, thiệt ra nghề nào cũng vậy. Thay vì cà phê cà pháo cơ bản, mình thích nghĩ ra mấy dự án khùng điên này rủ rê mọi người làm chung. Mỗi người một thế mạnh, một chuyên môn, gom lại với nhau có thể làm được bao nhiêu là chuyện. Gợi ý vậy thôi chứ không hiểu vì sao rất ít khi mình làm dự án cá nhân với bạn bè được. Đa phần tụi nó sẽ nhìn mình như một đứa bạn lâu rồi mới gặp và nay bỗng rủ cả đám mua bảo hiểm nhân thọ, ngồi nói liên thiên về rủi ro trong đời.
Nhờ vậy, mình phải chủ động chạy qua chạy lại tìm người làm cùng. Vòng quan hệ được nới ra khi nào không hay. Người này bắc cầu qua người kia. Mấy dự án con con này là cái cớ “nghiêm túc” để mình tìm thêm “bạn ngành”, dù là ngành khác! Về sau, khi triển khai các dự án quảng cáo khác mình cũng bật ra ngay trong đầu vài người. Phù hợp để làm tới cùng hay không thì còn tùy vào yếu tố nhưng ít ra có “manh mối”. Và lạ lắm, khi có bức tranh tương đối về “lực lượng lao động creative”, bạn tự tin hơn khi nghĩ ý tưởng vì bạn biết chắc nó làm được. Ít người làm thôi, chứ có!
Trong mỗi lĩnh vực đều có vài anh chị siêu giỏi, cây đa cây đề xa tầm với. Khi làm xong dự án, mình thích mang cho họ xem và nghe góp ý. Mình học thêm rất nhiều từ những buổi cà phê cùng người lạ như vậy. Không phải cao thủ nào cũng chảnh, nhưng họ sẽ cởi mở và sẵn sàng đào sâu câu chuyện hơn khi bạn mang đến cho họ một cái gì đó để xem. Trong mắt họ, bạn tuy không giỏi nhưng “chịu khó làm”. Không ai chê mình làm truyện tranh dở vì cái anh làm truyện tranh gần 20 năm đó thừa biết đây không phải chuyên môn của mình. Họ thích thú (trong lòng có thể phá lên cười) trước sự tươi mới và rón rén của bạn. Nào giờ những nhận xét sấm sét mình nhận đều được bủa từ người trong ngành quảng cáo mà thôi.
3. Dự án cá nhân và những nỗi sợ
Khi làm mấy thứ ở ngoài như vậy mình mới được đối diện với vốn sống và hiểu biết của bản thân.
Mình hiểu hơn về nỗi sợ “vượt qua giới hạn” của các bạn khách hàng. Chúng ta thì dễ rồi, chẳng có gì để mất ngoài sự hào hứng và thời gian (vẫn được trả lương mà). Ấy vậy mà còn chưa dám làm cái mình chưa bao giờ làm. Nỗi sợ ở đâu mà nhung nhúc kéo đến. Chỉ mặt sơ sơ:
- Ý tưởng có hay không mà đòi người ta làm chung?
- Có đủ tiền không mà đòi làm kiểu đó?
- Người ta có kiên nhẫn làm với mình đến hết không?
- Lỡ nửa chừng bạn đó gãy rồi sao? Mình có chịu làm lại không?
- Nửa đường mình muốn quay xe thì sao? Ăn nói sao với người ấy?
- Ý tưởng có mới thực sự không hay mình đang kẹt trong cái đầu của mình mà chưa nhận ra?
- Cách triển khai này có khả thi không? Ở VN có ai làm được chưa?
- Lỡ người ta làm tệ thì sao? Lỡ thời gian và năng lực của họ chỉ đến ngưỡng đó? Lỡ người ta không làm hết sức, tại đâu phải dự án của cá nhân họ?
- Người xem có hiểu không? Có nghe chửi không?
- Có ảnh hưởng đến công việc chính không?
Chắc vì vậy mà nhiều creative ấp ủ bao thứ nhưng rồi cũng loay hoay với việc ở công ty.
Chắc vì thế mà năm nào cũng có một chục chiến dịch truyền thông đòi khai tử giới hạn, dù nó không làm gì nên tội.
Giới hạn không phải để phá để tháo gì đâu. Nó ở đó chỉ để nhắc mình lâu lâu chú tâm kéo nó ra rộng hơn một tẹo cho thoải mái. Chỉ vậy thôi.
Mình luôn hạnh phúc với những giới hạn, ở bên trong nó ấm áp và chẳng có gì phải lo nghĩ. Đúng là mình luôn muốn nong nó mỗi ngày, kéo kéo, nhích nhích, nhưng 90% thời gian còn lại, mình chung sống hòa bình với nó. Mình và giới hạn là 1, là nhau. Khi có cái mới ùa vào, nó vẫn ở đó. Cái mới dựa trên cái cũ và mình vẫn sắc màu.

Leave a Reply