Tương tự với việc lập kế hoạch viết, bạn sẽ không thực hiện các mục tiêu đề ra cho năm mới của mình đâu liu liu!
Kha khá tài tử văn nhân của thế giới hiện đại đang ngồi làm cho mình một danh sách những điều muốn đạt được trong 2023. Gọi tiếng Anh là new year’s resolutions, gọi vắn tắt ngang ngược là things to do hay to-do list. Gọi theo kiểu của mình là danh sách không-dám-nhìn-lại vào cuối năm sau.
Vì đâu nên nỗi?
1. Bạn lập mục tiêu năm mới vào tháng 01 nhưng đến tháng 02 có thể bạn đã là con người khác.
Bạn có bao giờ như thế này không nhỉ: làm việc đến 6g tối, mệt mệt rồi. Bạn nói với lòng là về nhà đi, nghỉ ngơi cho thư thái rồi làm tiếp. Bạn về nhà và bạn… nghĩ khác! Đúng rồi, ta ở căn phòng thân yêu của mình là một ta rất khác, “thay lòng đổi dạ” là đây. Ta thấy giờ mà lôi máy ra nữa thì ác với bản thân quá, sáng mai dậy sớm cho tỉnh táo rồi làm cũng kịp mà. Kịp hay không thì đó cũng là một câu chuyện khác rồi. Trở lại vấn đề, cái danh sách của bạn sẽ hoá cũ xì vì bạn luôn phát triển. Có trời mới biết sang năm thì sếp bạn kêu bạn vào phòng nói chuyện gì, bác sĩ “phát hiện” ra điều gì sau khi xem kết quả máu của bạn, bạn va vào ai trong lúc loay hoay quay reel trong chuyến yoga retreat Đà Lạt…
Đến đây mong bạn không còn hổ thẹn rầu rĩ gì khi nhìn lại danh sách năm cũ nữa. Nó là vậy, người nào mà sau 1 năm không thấy mình “lớn” hơn cái danh sách của mình thì rất cần xem lại.
2. Bạn lập mục tiêu 10 điều quyết tâm chinh phục trong năm mới nhưng sau khi “lỡ” đạt được điều 01, bạn đã là con người khác.
Điều 2 này là phiên bản nâng cấp của điều 1, tươi sáng hơn hay không thì tuỳ. Đầu năm kể chuyện tươi sáng:
– Bạn A, copywriter tươi roi rói lên danh sách 10 mục tiêu liên quan đến nghề nghiệp: thắng award quảng cáo, đi festival quảng cáo ở Singapore, vào công ty xịn hơn…
– Bạn A vô tình đi học một lớp kịch bản phim, mục đích là để hoàn thiện kĩ năng viết kịch bản quảng cáo.
– Một chân trời mở ra, mà lại còn rung động tùm lum chỗ bên trong mình. A học giỏi, làm bài giỏi. Đến mức kịch bản cuối khoá còn thắng giải này nọ về phim.
– Thầy của A sau đó mời A học tiếp lớp khác của thầy.
– Thầy của A sau đó mời A học lớp thầy dạy ở trường đại học!
– A nhận một dự án liên quan đến kịch bản, dĩ nhiên không liên quan đến quảng cáo.
Xuyên suốt các gạch đầu dòng trên A đều phấn khởi. Toàn bộ thời gian rảnh của A bây giờ là để trau dồi thêm về phim. Đó, đơn giản vậy thôi là đã đủ đưa tiễn danh sách mục tiêu vào sọt rác rồi.
3. Bạn lập mục tiêu 10 điều quyết tâm chinh phục nhưng 09/10 thứ này bạn chưa thực sự hiểu.
Bạn đang “bắt chước” từ ai đó, từ một bài viết hay video youtube nào đó. Nó chưa rõ ràng, dù bạn ghi xuống có vẻ rõ ràng.
Sau đợt dịch te tua ở Sài Gòn thì mình có đặt mục tiêu năm mới sẽ tấn công sang mảng youtube và tiktok này nọ. Một năm trôi cái vèo, mình không hề đụng đến nó. Lý do là khi bắt tay lên kế hoạch mới thấy nó khó hơn mình nghĩ, nhưng quan trọng là mình không thích những kênh truyền tải nội dung đó đến vậy. Mình vẫn còn nhiều đều để khai thác trên những kênh hiện tại. Chưa kể là việc này đòi hỏi mình một sự đầu tư về tiền bạc và nhân lực không hề đơn giản. Mình nhận ra mình chưa “mong muốn” đạt mục tiêu này như mình nghĩ, chí ít là ở hiện tại.
Từ điều này ta nối sang vấn đề…
4. Bạn lập mục tiêu năm mới nhưng nó không hề có sự kết nối gì với năm cũ.
Trong quyển Ê Có Khi Nào mình có ghi một câu “Ê có khi nào năm mới chỉ mong làm tốt những việc cũ?” là với ý đó. Đêm countdown thì rất vui nhưng năng lượng và thần thái của CL không đủ đánh bạt 100% con người cũ của chúng ta. Bạn vẫn là bạn, một “bạn” cũ xì. Không có gì sai cả, cái mắc cười là người ta thường ghi mục tiêu năm mới như thể sau giao thừa thì họ lột xác vậy. Điều này dẫn đến việc 90% mục tiêu trở nên quá xa vời và bạn dần dần quên nó đi.
Mình thấy trong một năm thì cao lắm mình chỉ bắt đầu từ con số 0 cho một lĩnh vực mà thôi. Ví dụ cơ bản “Đi tập để rèn luyện sức khoẻ”. Nếu bạn giống mình, là kiểu ít chú ý tới gym hay các môn thể thao này nọ thì việc này y chang như là chuyển đổi nghề nghiệp vậy. Không dễ như ta nghĩ “có tiền thì đóng tiền rồi đi tập”. Bạn sẽ chơi môn gì? Tập ở đâu? Phòng tập gần nhà thì bèo, xa nhà thì đi mệt. Tập với ai, tập với app hay với PT? Tiền đâu ra? Phải thử và sai, mất tiền và thời gian tương đối thì mới hòm hòm vào guồng được. Có người sau 3 năm mới tìm được môn và người hướng dẫn phù hợp.
Nên nhìn lại xem có nhất thiết phải “khởi động” một điều gì đó mới toanh không. Hay chỉ cần duy trì và phát triển thêm một năm nữa là đã thành công lắm rồi. Mục tiêu năm mới không nhất thiết phải mới.
5. Bạn lập mục tiêu năm mới nhưng sau đó bạn không muốn nhìn lại nó nữa, vì cái danh sách đó khô như ngói.
Chán còn hơn bản tin tổ dân phố nữa, dù là do… chính bạn làm!
Đi tập đều Tập đều đặn đến mức giặt đồ tập không kịp!”Mở rộng mối quan hệ Gặp thêm nhiều sinh vật lạ, ở những lĩnh vực mà bây giờ mình mới biết nó tồn tại. Có người yêu Bước ra ngoài đường nhiều hơn, cho người ta cơ hội chiếm được mình.
Trên là 5 điều làm nên Don’t-Do List của khá nhiều người. Sau đây là Sói-Do List cho bạn tham khảo.
1. Những điều gì đã ở trong tim rồi thì cũng chẳng cần cho vô danh sách làm gì. Chỉ tổ dài dòng văn tự. Những thói quen, niềm yêu thích, động lực dài hạn… mà bạn luôn có thì bạn sẽ làm nó một cách tự nhiên. Dành thời gian để đầu tư mà không cần ai “nhắc”.
Ví dụ ngày xưa mình hay ghi là năm 20XX sẽ học thêm bao nhiêu khoá. Rồi sao? Chẳng nghĩa lý gì vì chỉ cần thấy khoá nào lạ lạ thì mình đã nhào vào đăng kí rồi. Và số lượng có quan trọng gì nữa đâu. Học là học thôi. Những năm sau mình chả ghi mục này vào và vẫn đi học ầm ầm.
2. Thay vì là những câu khẳng định cộc lốc, hãy viết những câu hỏi. Vì trong thực tế nó là thế. Câu hỏi thấy vậy mà lại thúc đẩy mình đi tìm câu trả lời, gợi mở hành động dễ dàng hơn. Thay vì làm cái gì thì tại sao không là làm với ai, tìm đến ai?
Gặp thêm những ai trong lĩnh vực công nghệ, để giúp mình nhận ra là đang già cỗi đến đâu rồi?
3. Hãy thử thêm to-be list
Từ khoá của mình trong năm nay:
Tận tụy
Cần gì hơn nữa chứ? Một điều này thôi là đã đủ để mình đạt được những gì đang nung nấu.
Và để được tận tuỵ hoài hoài thì có nhiều yếu tố liên quan ví dụ: ai đáng cho mình tận tuỵ, sức khoẻ của mình thế nào mà đòi tận tuỵ cả năm, tận tuỵ cho việc gì thật sự xứng đáng?
4. Quy về 1
Đây là tư duy yêu thích của mình, sơ hở là sẽ nhắc đến nó.
Điều khó chấp nhận nhất với các bạn trẻ: một năm bạn sẽ chỉ đạt được một thành tựu đáng giá mà thôi. Và vậy là quá nhiều rồi.
Cái khó là đâu sẽ là… cái “một” đó?
Trong 5 điều đẹp đẽ bạn đang muốn chạm tới, nếu nghĩ kĩ bạn sẽ thấy nó có điểm chung. Đâu là điều quan trọng nhất, sẽ giúp kích thích và hỗ trợ các mục tiêu còn lại? Khi rút lại còn 1 thứ “lợi hại”, bạn cũng sẽ biết ngay phải có những hành động gì, không lan man. Mọi thứ sẽ tự “đẩy nhau” về phía trước.
Mở rộng vấn đề
Nếu các bạn để ý những anh chị lớn, lớn thiệt sự nha, thì họ đã không còn ngồi làm danh sách mục tiêu gì nữa rồi. Sao vậy ta? Họ xìu rồi hả? Nếu bạn kéo lên đọc lại bài viết này thêm lần nữa thì sẽ hiểu điều này:
Khi đã biết mình là ai, muốn làm gì thì không cần ghi ra nữa cho phí giấy.
Mục tiêu mục tiếc gì đã in hằn trong đầu, cứ thế mà lướt tới. Và nếu cần phải ghi xuống để hệ thống, thì cũng không nhất thiết chờ đến dịp cuối năm để làm. Nhìn lại những điều đã ghi, cười khẩy (hoặc cười phá lên) rồi vứt bỏ. Ghi cái mới mà trong lòng thấy “thiệt đã”. Phải vậy chứ, ba cái mục tiêu không còn liên quan nữa thì cứ bỏ. Mình lớn lẹ ghê, lớn hơn ba cái đề mục hí hoáy ghi hồi đầu năm lúc nào không biết.
Điều quan trọng nhất không phải là list gì, mà là nghị lực và quyết tâm của “lister” đến đâu.
Chúc những chú mèo 2023 sớm cào nát danh sách của mình.
Leave a Reply